Xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu) có diện tích cây cau ăn trái khoảng 10ha và nhiều nhà vườn đang có ý định phục hồi diện tích cây cau. Riêng địa phương thì có kế hoạch trồng cau dọc một số tuyến đường dài trên 18km để tạo cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu) có diện tích cây cau ăn trái khoảng 10ha và nhiều nhà vườn đang có ý định phục hồi diện tích cây cau. Riêng địa phương thì có kế hoạch trồng cau dọc một số tuyến đường dài trên 18km để tạo cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu) thêm xanh, đẹp với những vườn cau dọc tuyến đường Bình Hòa - Cây Dương. Ảnh: Đoàn Phú |
Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thới Sơn Đào Minh Châu (69 tuổi) cho hay, cây cau được trồng trên đất Bình Hòa có trước khi ông được sinh ra. Trước đây, người ta ăn trầu - cau nhiều nên ở đâu cũng thấy cau và người bỏm bẻm nhai trầu.
* Nghề mua cau
Mặc dù diện tích cây cau cho thu hoạch ở xã Bình Hòa chỉ khoảng 5ha nhưng cũng đủ để cho vợ chồng ông Huỳnh Văn Tòng (63 tuổi) - bà Nguyễn Thị Ba (57 tuổi), ngụ ấp Thới Sơn, và nhiều người khác duy trì nghề trèo hái cau.
Ông HUỲNH VĂN BÁ (70 tuổi, ngụ ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) cho biết, ông thông thạo trong lòng bàn tay từng vườn cau trong xã. Bởi vì, trên 50 năm làm nghề mua cau, chỉ cần có mối dặn cau cho đám cưới là ông tìm được loại cau ưng ý, trái đẹp, xum xuê thể hiện được ý nghĩa “con cháu đầy đàn”. |
Ông Huỳnh Văn Tòng cho biết, năm lên 10 tuổi, ông đã trèo được cây cau cao 8-10m để bắt tổ chim sẻ, chim sắc ô chơi. Đến năm 1990, ông mới chính thức làm nghề thu mua, hái cau mưu sinh. Dụng cụ để hái cau rất đơn giản gồm: thang tầm vông (để leo cây thấp), dây nài (làm bằng vải dù), con dao nhỏ.
“Xưa cau trồng theo đám thì chuyền từ cây này sang cây khác hái. Hái chừng 3-4 buồng thì tụt xuống cho đỡ phí sức leo” - ông Tòng bộc bạch.
Tuyến đường Bình Hòa - Cây Dương bao bọc 2 ấp Thới Sơn, Bình Thạch (xã Bình Hòa) hiện vẫn còn nhiều hàng cau thẳng tắp. Đứng bên đường có thể nhìn thấy từ xa những hàng cau xanh tốt, cao vút trong vườn nhà dân. Tuy vậy, nó không đủ cho vợ chồng ông Tòng - bà Ba thu mua bỏ mối cho các chợ xa, chợ gần. Để có đủ số lượng cau bỏ mối trong ngày, vợ chồng ông Tòng - bà Ba phải rảo xe máy khắp các xã: Bình Lợi, Thạnh Phú, Tân Bình (H.Vĩnh Cửu), Phú Hội, Long Tân (H.Nhơn Trạch) săn lùng.
“Có 2 dạng mua: thu mua theo buồng hoặc bao vườn. Vợ chồng tôi thì mua theo kiểu bao vườn, trung bình 1 cây được mua với giá 300-400 ngàn đồng/năm. Cứ vậy, tùy theo vườn và số cau nhiều hay ít mà đôi bên thỏa thuận giá” - bà Nguyễn Thị Ba cho biết.
Cũng theo bà Ba, khi còn con gái, bà không dám trèo cây, nói gì đến chuyện trèo cây cau. Đến khi lấy ông Tòng, vợ chồng cùng nhau đi mua cau thì tập trèo hái cau, riết thành quen. Do đó, nay bà trèo cây cau không thua gì chồng. Cho nên khi có mối lái đặt hàng gấp, chồng bận công việc khác, bà cũng đi hái cau một mình được.
Nhìn cây cau cao 12-13m đung đưa trước gió, lại gặp lúc mưa dầm, rêu bám quanh thân cây rất trơn trượt, khó bám, nhưng chỉ hơn 1 phút, ông Huỳnh Văn Bá (70 tuổi, ngụ ấp Thới Sơn, anh trai ông Tòng) đã dắt buồng cau nặng trên 10kg vào thắt lưng rồi tụt xuống đất trong chớp mắt. Ông Bá chẳng có vẻ mệt mỏi, đuối sức dù từ 7 giờ sáng đến trưa ông đã trèo trên 30 cây cau, mà cây nào cũng thuộc hàng cau lão, có tuổi trên 30 năm, cao từ 10-12m.
“Phải lựa nửa bên thân cây cau hướng mặt trời buổi sáng mà leo, vì phía bên đó khô, ít rêu bám. Cau trồng theo chòm hay vườn khi trèo cây gặp gió lớn sẽ ít đung đưa hơn cau trồng theo hàng hoặc đơn lẻ, do nó được các cây khác che chắn. Cau trồng đơn lẻ do không có cây khác che chắn nên khi leo tới ngọn, gặp gió nó oằn như cái cung. Dứt gió, nó bật mạnh như mũi tên được bắn ra nên tôi luôn cảnh giác, tay luôn bám chặt vào thân cây” - ông Bá chia sẻ.
Chuẩn bị trèo tiếp cây cau khác thì ông Bá nhận điện thoại của mối mua cau gọi đến thông báo hái gấp cho họ 1.200 quả cau (loại 100 quả/buồng trở lên) để họ kịp giao cho đám tiệc. Ông Bá nhẩm tính, nếu cố trèo hái hết vườn cau này chỉ đủ 2 ngàn quả cau bỏ mối cho bà Năm ở chợ Biên Hòa đã dặn trước đó, trong khi bà Chín Ngọc ở chợ Tân Mai thì dặn hái toàn cau tốt, buộc ông phải đi sang vườn khác hái tiếp.
“Cau dành cho đám cưới hỏi phải tuyển lựa buồng đẹp, trái sai. Cho nên trong quá trình thu mua cau, tôi luôn biết để dành để phòng khi mối lái đặt hàng gấp” - ông Bá dứt lời thì móc sợi dây nài vào 2 chân tiếp tục trèo hái cau.
* Tạo dáng cho vùng quê
Xã Bình Hòa vốn nổi tiếng với những vườn cau, ruộng lúa xanh tốt. Cây cau, ruộng lúa nơi đây là niềm tự hào của bao thế hệ nhà nông nơi đây. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cây trồng, các gia đình phân chia đất đai cho các con nên nhiều vườn cau bị chặt bỏ. Nay giá trị một buồng cau (loại 100 quả) trên 200 ngàn đồng, bằng 2 giạ lúa (20kg) nên nhiều nông dân bắt đầu khôi phục lại vườn cau. Đặc biệt, trong năm 2022, UBND xã có chủ trương khuyến khích người dân trồng cau dọc hai bên tuyến đường: Bình Hòa - Cây Dương và Đường Mỹ dài trên 18,6km để tạo cảnh quan trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Người thu mua cau thường dùng phương tiện xe máy chuyên chở cho thuận tiện. Ảnh: Đoàn Phú |
Theo Phó chủ tịch UBND xã Bình Hòa Lê Minh Nhật, diện tích cây cau trên địa bàn xã được nông dân trồng mới trong 2-3 năm gần đây khoảng 3-4ha và có khả năng tăng thêm vài ha nữa trong năm nay từ phong trào trồng cau dọc theo hai tuyến đường trên để tạo cảnh quan. Điều này vừa giúp cho nhà vườn có nguồn thu, khôi phục vẻ đẹp vùng quê Bình Hòa với những hàng cau thẳng tắp dọc theo các tuyến đường nông thôn mới.
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bình Hòa, ông Đào Minh Châu luôn có ký ức đẹp về tuổi thơ gắn bó với hàng cây cau khi trèo hái cau bắt tổ chim sẻ, chim sắc ô cùng với chúng bạn về nuôi hoặc trèo lên ngọn cau nhảy ùm xuống sông tắm. Ông Châu bộc bạch, xưa nhiều người ăn trầu nên nhà nào cũng có ít nhất chục cây cau trong vườn, trước ngõ, quanh nhà nên vườn thoáng, mát. Ngày hè treo võng nằm dưới tán cây cau vu vơ ca câu vọng cổ thì còn gì thú vị bằng. Cho nên, hay tin UBND xã có chủ tương vận động trồng cau dọc các tuyến đường giao thông nông thôn để tạo cảnh quan, ông rất ủng hộ, nhất là chuyện nông dân trong ấp đang có phong trào phục hồi vườn cau.
Còn theo nhà vườn Phạm Văn Giàu (ngụ ấp Thới Sơn), diện tích vườn cau của ấp Thới Sơn không thua kém ấp Bình Thạch. Những hộ có từ 3-5 sào cau lão (trên 30 năm) như ông vẫn còn nhiều, như các hộ: Phạm Văn Giàu, Đồng Văn Thọ, Phùng Văn Hạnh, Hồ Văn Mạnh… Mặc dù là xứ sở của cau nhưng hiện nay trong ấp, xã không còn người nào ăn trầu. Tuy vậy, vì giá trị kinh tế của cây cau hiện nay khá cao, cung không đủ cầu, lại dễ trồng, phù hợp với vùng đất Bình Hòa nên nhà vườn trồng không phải để ăn mà để bán, xuất khẩu, tạo cảnh quan thì không cây nào hơn cây cau.
Ông Huỳnh Thanh Tòng cho biết thêm, hiện cây cau ở vùng đất Bình Hòa mang 2 giá trị kinh tế và tinh thần. Cho nên, ngoài công việc mua bán cau, ông còn ươm cây cau để bán, góp phần vào việc khôi phục lại danh tiếng “vườn cau, ruộng lúa” ở đất Bình Hòa cho thế hệ trẻ và khách phương xa nhìn ngắm khi ghé thăm.
“Cây cau được trồng nhiều tại địa phương thì công ăn, việc làm của vợ chồng tôi thuận lợi hơn. Hiện nay, vợ chồng tôi có người con trai kế nghiệp thì không sợ gì cau trồng ra không có người trèo hái” - ông Tòng bộc bạch.
“Những năm 1990, phong tục ăn trầu - cau của người dân địa phương vẫn còn nhiều và cây cau được xác định là cây trồng mang lợi nhuận kinh tế cao cùng với bưởi, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm… nên nhà nào cũng trồng vài hàng cau trong vườn, dọc hàng rào, trước sân” - Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa ĐÀO MINH CHÂU bộc bạch. |
Đoàn Phú