Sở GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng Đề án tăng cường dạy tiếng Anh cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho học sinh, nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Sở GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng Đề án tăng cường dạy tiếng Anh cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho học sinh, nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) được học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Ảnh: C.Nghĩa |
Nếu đề án được thông qua thì từ đầu học kỳ 2 tới, học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 sẽ được học tăng cường từ 2-3 tiết tiếng Anh/tuần với giáo viên nước ngoài để tăng cường khả năng nghe và nói.
* Khó hội nhập vì yếu tiếng Anh
Đề án Tăng cường dạy tiếng Anh cho học sinh trường phổ thông xuất phát từ chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh. Đây là việc làm rất cần thiết khi Đồng Nai đang có nhiều cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt sắp tới khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, hệ thống giao thông kết nối liên vùng hoàn thiện, Đồng Nai sẽ còn đón nhiều hơn nữa các nhà đầu tư lớn từ nhiều quốc gia trên thế giới đến mở rộng đầu tư. Muốn tận dụng được những cơ hội lớn, công dân Đồng Nai ngoài giỏi chuyên môn thì không thể thiếu ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng Anh và nhiều ngoại ngữ khác.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Nhân lực Đồng Nai cần phải có kỹ năng tiếng Anh Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, có nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đổ về, ngôn ngữ được sử dụng chủ yếu là tiếng Anh. Sắp tới, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ tiếp tục có nhiều nhà đầu tư hơn nữa tìm đến Đồng Nai, do đó nhân lực Đồng Nai cần phải có kỹ năng tiếng Anh để mang lại những giá trị lớn hơn cho sự phát triển. Sở GD-ĐT cần khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện đề án tăng cường dạy tiếng Anh đảm bảo chất lượng, chặt chẽ và có tính khả thi cao. Nếu được thông qua có thể triển khai vào đầu học kỳ 2 năm học 2022-2023. |
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng dạy môn Tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD-ĐT thông qua tăng cường số tiết học so với hiện nay. Theo đó, học sinh lớp 3 đến lớp 5 bậc tiểu học và toàn bộ học sinh bậc THCS và THPT sẽ được tăng thêm 2 tiết môn Tiếng Anh/tuần bên cạnh số tiết theo chương trình của Bộ. Sở khuyến khích các cơ sở giáo dục cho trẻ em bậc mầm non, học sinh lớp 1 và 2 tiếp cận sớm với tiếng Anh, từ đó giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và tham gia các hoạt động xã hội.
Ông Võ Ngọc Thạch cho rằng, việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển hệ thống trung tâm ngoại ngữ thời gian qua đã chứng minh hiệu quả, hỗ trợ đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các trường. Tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây, Đồng Nai luôn nằm trong tốp những tỉnh, thành có điểm trung bình môn Tiếng Anh cao.
Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm trung bình môn Tiếng Anh của học sinh Đồng Nai xếp thứ 11/63 tỉnh, thành, đồng thời là môn thi có điểm trung bình cao nhất trong số 8 môn thi.
* Tìm giải pháp phù hợp với thực tế
Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT Trần Đình Vinh bày tỏ trăn trở, học sinh lớp 3 bắt đầu học tiếng Anh cho đến lớp 5 có thể đạt trình độ A1, học hết lớp 9 đạt trình độ A2 và hết lớp 12 đạt trình độ B1. Tuy nhiên, nhiều học sinh học hết lớp 12 khả năng nghe, nói vẫn rất kém. Chỉ học sinh nào thực sự chăm chỉ học tập mới đạt được trình độ tương đương B1. Không thể phủ nhận vai trò và nỗ lực của giáo viên môn Tiếng Anh trong các trường, nhưng nếu so sánh về kỹ năng dạy nghe và nói với một số trung tâm ngoại ngữ thì còn nhiều vấn đề. Vì vậy, việc kết hợp với các trung tâm ngoại ngữ đưa giáo viên người nước ngoài vào trường học để tăng cường kỹ năng nghe và nói tiếng Anh sẽ tốt cho học sinh.
Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học sẽ học tiếng Anh từ lớp 3 với số lượng 4 tiết/tuần, học sinh THCS và THPT sẽ học 3 tiết/tuần. Còn khi tăng cường, mỗi bậc học sẽ có thêm khoảng 2 tiết/tuần. 2 tiết tăng cường chỉ tập trung vào các kỹ năng học sinh còn yếu là nghe và nói với giáo viên nước ngoài.
Theo tính toán sơ bộ của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 15 ngàn lớp học ở bậc phổ thông, nếu mỗi lớp được tăng cường thêm 2 tiết Tiếng Anh/tuần thì tổng số tiết được tăng cường vào khoảng 30 ngàn tiết/tuần, kinh phí triển khai là 100 tỷ đồng/năm học. Số tiền này có thể lớn nhưng hiệu quả lâu dài mang lại là rất lớn. Hơn nữa, hiện các trường đại học chuyển hướng ưu tiên xét tuyển học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, do đó sẽ khuyến khích học sinh đam mê học tiếng Anh nhiều hơn.
Cho rằng việc tăng cường kỹ năng tiếng Anh cho học sinh là rất cần thiết, nhưng lãnh đạo Sở Tư pháp và Sở Tài chính khi tham gia ý kiến xây dựng đề án vẫn còn khá nhiều băn khoăn. Chẳng hạn như khi triển khai dạy tăng cường tiếng Anh có ảnh hưởng đến chương trình của Bộ GD-ĐT hay không; quy mô triển khai ra sao? kinh phí dùng ngân sách nhà nước hay xã hội hóa do phụ huynh đóng góp? Mức thu bao nhiêu là hợp lý, mức chi cho giáo viên bao nhiêu là đủ?…
Công Nghĩa