Hưởng ứng các hoạt động trợ giúp người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng đã tiết kiệm chi tiêu, dành tiền giúp đỡ hằng tháng hay tạo vốn vay cho các đối tượng khó khăn.
Hưởng ứng các hoạt động trợ giúp người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng đã tiết kiệm chi tiêu, dành tiền giúp đỡ hằng tháng hay tạo vốn vay cho các đối tượng khó khăn.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành Nguyễn Văn Toàn (trái) cùng Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nguyễn Văn Điển trao đổi về việc nhận trợ giúp hằng tháng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Sông Thao |
* San sẻ và đồng cảm cùng nạn nhân da cam
2 năm trước, thông qua kết nối của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành đến nhà thăm nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nguyễn Thị Như Quỳnh. Khi biết được hoàn cảnh của nạn nhân bị bại liệt, cha mất, mẹ mắc bệnh tâm thần, mọi việc đều do ông ngoại chăm sóc, ông rất thương cảm. Từ đó, mỗi quý, ông chuyển qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện 1,5 triệu đồng để hỗ trợ thêm cho nạn nhân. Đồng thời, vào dịp lễ, Tết, ông đều có phần quà hỗ trợ thêm cho nạn nhân. “Số tiền tuy không nhiều song đó là sự chia sẻ, đồng cảm của bản thân với người kém may mắn” - ông Toàn chia sẻ.
Việc hỗ trợ nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin như cách ông Toàn đang làm không phải là cá biệt. Bởi theo ông Nguyễn Văn Điển, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, gần 20 cán bộ, đảng viên đang công tác cũng như đã nghỉ hưu cùng một số mạnh thường quân khác đang thực hiện hỗ trợ hằng tháng từ 300-500 ngàn đồng để trợ cấp định kỳ cho 25 nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Mỗi năm, giáo viên các trường trên địa bàn huyện còn tự tiết kiệm 27 triệu đồng để thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện trao tặng các nạn nhân.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thực hiện phát triển quỹ vì người nghèo, từ năm 2019 đến nay, tổng giá trị mà quỹ vì người nghèo các cấp tiếp nhận được trị giá 83,1 tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng để xây dựng 742 căn nhà tình thương, sửa chữa 155 căn… |
Không riêng tại H.Long Thành, theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, toàn tỉnh có hơn 8 ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế ở địa phương, mỗi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, thành phố vận động nguồn lực xã hội để trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đến nay, có hơn 100 tổ chức, cá nhân là cán bộ, đảng viên, người lao động tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp… tham gia trợ cấp hằng tháng cho 356 nạn nhân da cam/dioxin. Bên cạnh sự hỗ trợ cố định, dịp lễ, Tết, mỗi nạn nhân còn được nhà tài trợ trao thêm các phần quà. Ngoài giá trị về vật chất thì đây còn là sự động viên rất lớn đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng như gia đình họ.
Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, xuất phát từ chương trình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo do các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh thực hiện, đã có trên 3,2 ngàn hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nhận trợ cấp hằng tháng. Trong số này có gia đình ông Nguyễn Văn Lạc (KP.3, P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) làm công việc lau dọn nghĩa trang ở khu phố. Dù tuổi cao, đời sống khó khăn song ông còn chăm sóc em gái bị bại liệt. Vậy nên số tiền, quà được nhận thường xuyên hằng tháng giúp gia đình đỡ thiếu thốn hơn.
* Chủ động giúp vốn cho người nghèo
Song song với trợ giúp hằng tháng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật, hộ khó khăn, nhiều mô hình huy động nguồn lực tại chỗ trợ giúp cho người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng được nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng và duy trì có hiệu quả.
Cụ thể như ấp 5, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) nhiều năm qua đã hình thành các mô hình kết nối nguồn lực cộng đồng để xây dựng quỹ trợ giúp người khó khăn cần vốn làm ăn trên địa bàn. Chỉ riêng các thành viên Chi hội Cựu chiến binh ấp xây dựng được 87 triệu đồng. Còn thành viên CLB Phòng chống bạo lực gia đình ấp chung sức hình thành số tiền quỹ 37 triệu đồng. Hơn 120 triệu đồng này được Ban công tác Mặt trận ấp cho người có nhu cầu về vốn vay 20 triệu đồng/hộ để làm vốn buôn bán nhỏ, mua cây, con giống để nuôi trồng.
Riêng tại KP.Bảo Vinh A, P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh), thông qua kết nối của Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố Đỗ Ngọc Thanh, đã có 70 triệu đồng được huy động để tạo nguồn vốn tại chỗ giúp cho người khó khăn vay.
Theo ông Thanh, tùy theo khả năng mà ông cùng những thành viên khác có mức đóng góp khác nhau. Song ai cũng cố gắng tiết kiệm trong chi tiêu để tạo ra nguồn quỹ theo phương châm cùng “góp gió thành bão”, tạo nên nguồn vốn giúp bà con khó khăn. Qua đó, số tiền này được sử dụng để cho bà con vay từ 2-15 triệu đồng tùy theo nhu cầu vốn để mua ve chai, bán vé số, mua bán nhỏ ở chợ…
Theo bà Đào Nguyên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đang thực hiện vốn hỗ trợ sinh kế cho 28 gia đình có nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Mỗi trường hợp được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng/hộ. Số vốn này người vay sử dụng để mưu sinh theo khả năng khuyết tật của bản thân như: bán vé số, tạp hóa tại nhà.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho hay, thời gian qua, Quỹ Vì người nghèo các cấp đã mở rộng hình thức trợ giúp người nghèo, tạo điều kiện để hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó, ngoài hoạt động tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo nhân dịp đầu năm học mới; tặng quà, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người khuyết tật, neo đơn…, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức vận động hỗ trợ vốn, cây, con giống cho các hộ nghèo sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ trực tiếp cho hộ nghèo tại cộng đồng dân cư. Qua đó, từ năm 2019 đến nay, đã có trên 2,7 ngàn tỷ đồng được huy động để thực hiện các chương trình an sinh xã hội thực hiện trực tiếp tại cộng đồng.
Cũng theo ông Trung, những việc làm thiết thực trong việc chăm lo cuộc sống cho người nghèo trên địa bàn tỉnh đã thể hiện ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc, tích cực cùng các cấp, các ngành, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh. Trong thời gian tới, những hoạt động này sẽ tiếp tục được ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chú trọng thực hiện.
Văn Truyên