Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

07:10, 27/10/2022

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 với hàng loạt chính sách ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng khác gắn với các dự án giảm nghèo bền vững.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 với hàng loạt chính sách ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng khác gắn với các dự án giảm nghèo bền vững.

Người dân hoàn cảnh khó khăn tại P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) được nhận quà hỗ trợ từ nguồn vận động do Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường vận động
Người dân hoàn cảnh khó khăn tại P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) được nhận quà hỗ trợ từ nguồn vận động do Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường vận động. Ảnh: S.Thao

Đây được xem là trợ lực để người dân vươn lên xây dựng cuộc sống, tiến tới thoát nghèo trong giai đoạn 2022-2025.

* Phấn đấu giảm 80% hộ nghèo

Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền, Đồng Nai hiện còn 7.057 hộ nghèo và 6.916 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ giai đoạn 2022-2025.

Cụ thể, số hộ nghèo và cận nghèo ở thành thị của tỉnh lần lượt là 1.162 hộ và 861 hộ. Riêng số hộ nghèo và cận nghèo ở nông thôn lần lượt là 5.895 hộ và 6.055 hộ.

Theo chuẩn nghèo được Trung ương áp dụng, hộ nghèo ở khu vực nông thôn và thành thị có mức thu nhập bình quân đầu người lần lượt là 1,5 triệu và 2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, tỉnh còn rất nhiều gia đình gặp khó khăn cần trợ giúp trong cuộc sống.

Đối tượng mà các dự án giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 hướng đến được mở rộng và có sự bao quát. Cụ thể, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo là đối tượng ưu tiên.

Ngoài ra, hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, HTX, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo cũng thuộc đối tượng thụ hưởng của các dự án này.

Cùng với đó, các dự án giảm nghèo cũng ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án giảm nghèo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện. Đồng thời, người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các dự án giảm nghèo.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 sẽ hướng đến giảm 80% hộ nghèo A/trên tổng số hộ nghèo A đầu giai đoạn 2022-2025 (mỗi năm giảm từ 17-35% hộ nghèo A). Bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, dự án thuộc chương trình giảm nghèo theo quy định nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo. Phấn đấu số hộ nghèo A cuối năm 2025 còn dưới 20% so với đầu giai đoạn 2022-2025.

* Hỗ trợ toàn diện để người nghèo vươn lên

Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt dự án giảm nghèo nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sẽ được triển khai. Đồng thời, công tác nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo sẽ được chú trọng thực hiện.

Cụ thể như, đối với dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo sẽ hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Riêng với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng sẽ tập trung hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) tiếp cận kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Còn với dự án Hỗ trợ việc làm bền vững sẽ gắn mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số…

Già làng dân tộc Chơro xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất) Thổ Nơi cho hay, trước đây đồng bào chủ yếu trồng trọt, chăn bò trên mảnh đất của mình hoặc làm thuê cho các chủ vườn. Thời gian qua, nhờ các chính sách ưu tiên của Nhà nước, đồng bào trong làng tìm được nhiều cơ hội việc làm từ các ngành nghề khác, từ đó có thu nhập ổn định hằng tháng để trang trải cuộc sống.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 là hơn 77,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh hơn 54,5 tỷ đồng và vốn đối ứng, huy động, lồng ghép gần 22,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, xã có giải pháp huy động nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện chương trình giảm nghèo bảo đảm hiệu quả.

Sông Thao

 

Tin xem nhiều