KP.Ruộng Lớn (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) có trên 200 hộ đồng bào Chơro sinh sống. Năm 2019, vì lý do sức khỏe, già làng Thổ Bọng đề nghị đồng bào Chơro ở KP.Ruộng Lớn, chính quyền địa phương chọn ông Mai Văn Lượng (tức Ba Lượng, 66 tuổi) thay vị trí già làng.
KP.Ruộng Lớn (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) có trên 200 hộ đồng bào Chơro sinh sống. Năm 2019, vì lý do sức khỏe, già làng Thổ Bọng đề nghị đồng bào Chơro ở KP.Ruộng Lớn, chính quyền địa phương chọn ông Mai Văn Lượng (tức Ba Lượng, 66 tuổi) thay vị trí già làng.
Già làng Ba Lượng (bìa trái) của dân tộc Chơro ở KP.Ruộng Lớn giới thiệu về máy móc nông nghiệp mới mua để phục vụ sản xuất. Ảnh: Đ.Phú |
“Lúc đó, già làng Thổ Bọng, dân làng, chính quyền địa phương đã quyết thì tôi nghe theo. Tuy vậy, lòng tôi cũng lo vì sợ không cáng đáng được trọng trách lớn lao này” - già làng Ba Lượng tâm sự.
* Uy tín từ lời nói đến việc làm
Năm 1979, chàng trai Chơro nghèo Ba Lượng chuyển từ làng Bảo Chánh (xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) về ấp Ruộng Lớn (nay là KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh) làm rể và được già làng Thổ Chẳn (cha của già làng Thổ Bọng) cưu mang. Được già làng Thổ Chẳn dạy nhiều điều hay, lẽ phải, cách làm ăn để vươn lên từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng Ba Lượng dần thoát đói, hết nghèo, còn dành dụm mua được 1,5ha ruộng lúa và nuôi con ăn học.
“Khi cha hỏi ý kiến để ông Ba Lượng lên thay cha làm già làng, tôi đã ủng hộ ngay. Bởi vì, tôi còn trẻ, cần phải học hỏi nhiều nên để già Ba Lượng làm là đúng ý nguyện của cha, dân làng và chính quyền địa phương” - anh THỔ DỸ bày tỏ. |
Già làng Ba Lượng cho biết, phong tục tập quán của đồng bào Chơro ở KP.Ruộng Lớn bao đời nay vẫn giữ. Khi già làng của ấp già yếu hoặc mất đi thì làng chọn một trong số người con trai của già làng cũ giỏi giang, đức độ làm người thay thế. Do đó, khi già làng Thổ Chẳn mất thì con trai là ông Thổ Bọng lên thay. Năm 2019, già làng Thổ Bọng già yếu. Tuy già làng Thổ Bọng có con trai là Thổ Dỹ cũng giỏi giang, đức độ nhưng ông vẫn chọn ông Ba Lượng thay thế vì cho rằng anh Thổ Dỹ còn trẻ, cần phải học hỏi thêm, nên để người có tuổi, nhiều kinh nghiệm sống cáng đáng trước, sau này có giao lại vị trí già làng cho con trai Thổ Dỹ cũng không muộn.
Thời điểm già làng Ba Lượng đảm nhận vai trò già làng cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện, sau đó bùng phát thành đại dịch vào năm 2021. Để trấn an đồng bào Chơro của mình, già làng Ba Lượng phối hợp chặt chẽ với cán bộ KP.Ruộng Lớn đi đến từng nhà người dân tuyên truyền, vận động dân làng Chơro bình tĩnh, thực hiện tốt quy định 5K, cảnh giác với những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội nói về dịch bệnh không đúng với điều mà chính quyền, cán bộ y tế thông tin, cung cấp. Đồng thời, già còn quan tâm, xem xét, thống kê thêm hộ đồng bào trong làng bị tác động của dịch bệnh dẫn tới mất việc làm, giảm thu nhập để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ.
Già làng Ba Lượng (bìa trái) hỗ trợ người dân kiểm tra sâu bệnh trên cây lúa khi đi thăm đồng. Ảnh: Đ.Phú |
Thấy già làng Ba Lượng tích cực, trách nhiệm cao, đồng bào Chơro ở KP.Ruộng Lớn rất yên cái bụng. Điều gì chưa biết, chưa hiểu, bức xúc, đồng bào đều tìm tới già hỏi cho tỏ tường mới thôi.
Già làng Ba Lượng tỏ bày, già vẫn nhớ lời già làng Thổ Bọng căn dặn, gửi gắm rằng người già, có uy tín thì không được nói 2 lời, như vậy đồng bào sẽ hoang mang, không tin mình nữa. Cho nên, người già phải nói nhất quán một điều mà Đảng, chính quyền muốn nói cho dân nghe, hiểu, nhận thức đúng để làm theo. Trên tinh thần đó, già quán triệt lại điều mình biết, điều gì chưa rõ thì nhờ cán bộ y tế, cán bộ xã hỗ trợ.
* Dẹp bỏ cái xấu trong làng, khích lệ thanh niên làm ăn
Đồng bào dân tộc Chơro ở KP.Ruộng Lớn bao đời nay gắn bó với cánh đồng Ruộng Lớn và rẫy vườn. Hết mùa lúa, rẫy, đồng bào thường có thời gian nông nhàn nên hay tụ tập uống rượu, đánh bài. Vấn đề này trước đây được già làng Thổ Bọng nhắc nhở, uốn nắn nhiều nhưng vẫn còn người chưa bỏ. Do đó, già làng Ba Lượng phải có trách nhiệm dẹp tận gốc tệ nạn này.
Già làng Ba Lượng, người uy tín của đồng bào Chơro ở KP.Ruộng Lớn. Ảnh: Đ.Phú |
Anh Thổ Dỹ cho hay, già làng Ba Lượng là một trong số rất nhiều nông dân sản xuất giỏi của làng, xã. Từ đó, anh và già làng Ba Lượng luôn song hành cùng nhau nhắc nhở thanh niên trong làng phải siêng năng lao động, tránh xa tệ nạn. Nhất là ai không có công ăn việc làm thì được tạo điều kiện, thiếu giống cây trồng thì cho mượn, không có tiền cày đất thì cho nợ tới thu hoạch mới trả.
“Một số thanh niên trong làng lén lút cờ bạc; siêng nhậu hơn siêng làm nay đã gần như bỏ được cái tính xấu này. Bởi vì, họ thấy già làng Ba Lượng và những người trong làng thường xuyên giúp đỡ như: tạo công ăn việc làm, tiền, vật chất khác nên nhận thức được cái sai, cái xấu mà từ bỏ. Cũng nhờ già làng Ba Lượng quyết tâm nên trong làng giờ không còn thanh niên lười, nghèo khó do rượu, cờ bạc nữa” - anh Thổ Dỹ cho biết.
Đường trong khu dân cư của đồng bào Chơro ở KP.Ruộng Lớn luôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Đ.Phú |
Từ ngày Bảo Vinh lên phường và ấp Ruộng Lớn lên khu phố, cảnh quan nơi đâu cũng sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. Tuy vậy, đồng bào Chơro trong làng vẫn còn giữ tập quán chăn nuôi gia súc thả rong nên bò hay đi thang thang ngoài đường, phá cây xanh của làng trồng. Già làng Ba Lượng lúc đầu chưa vội góp ý mà tự thân lấy cuốc xẻng dọn phân bò, trồng lại cây. Khi đồng bào thấy già làm đã nhận ra tập quán chăn nuôi đã ảnh hưởng đến môi trường chung nên đã có ý thức để họ tự sửa, dọn dẹp.
“Già Ba Lượng tốt lắm, y hệt như già Thổ Bọng vậy. Dân làng cần gì thì già giúp đỡ ngay, còn sai thì nhắc khéo thôi là đủ hiểu để sửa. Chính vì vậy, hễ thấy bóng dáng già đi ngoài đường thì đang làm sai điều gì mọi người tự ý thức mà sửa, từ bỏ chứ không để già góp ý xấu hổ lắm” - chị Mai Thị Vàng (ngụ KP.Ruộng Lớn) bộc bạch.
“Đợt dịch bệnh Covid-19 vừa rồi, trong làng Chơro có hộ đồng bào bị nhiễm bệnh, cán bộ phường và khu phố tới vận động họ đi cách ly, nhưng không được. Đến khi già làng Ba Lượng nói một tiếng thì cả nhà thu xếp đi cách ly tập trung ngay” - ông NGUYỄN HỮU THÀNH, Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh cho biết. |
Đoàn Phú