Đẩy mạnh liên kết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề là hướng đi đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai. Tuy nhiên, sự tham gia của doanh nghiệp (DN) vẫn chưa sâu, đồng thời thiếu hành lang pháp lý và các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho DN tham gia đào tạo nghề.
Đẩy mạnh liên kết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề là hướng đi đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai. Tuy nhiên, sự tham gia của doanh nghiệp (DN) vẫn chưa sâu, đồng thời thiếu hành lang pháp lý và các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho DN tham gia đào tạo nghề.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hòa) trong giờ thực hành tại trường. Ảnh: H.Yến |
Bài 1: Doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề: Vẫn còn manh mún
DN có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Xác định rõ điều này, những năm gần đây, các cơ sở GDNN đã chủ động gắn kết, hợp tác với DN. Tuy nhiên, đa số sự hợp tác mới dừng ở việc DN tạo điều kiện kiến tập, thực tập cho sinh viên.
* DN hợp tác để chủ động tìm nguồn nhân lực
Là DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực logistics, Công ty TNHH Nam Vân Logistics (TP.Biên Hòa) từng gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân lực, đặc biệt về chất lượng nhân lực.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng giám đốc công ty chia sẻ: “Vì chúng tôi là DN nhỏ nên nhiều nhân sự tìm đến chúng tôi như trạm dừng chân. Các bạn đến để có công việc tạm thời rồi tìm cơ hội nhảy việc. Chính điều này khiến chất lượng lao động không cao và không ổn định”.
Từ thực tế đó, ông Hải nhận thấy muốn nâng cao chất lượng nhân sự để phục vụ sự phát triển của công ty, hơn ai hết bản thân DN phải chủ động. Vì vậy, từ 5 năm trước, công ty đã hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hòa) để nhận sinh viên kiến tập, thực tập. Từ nguồn sinh viên thực tập này, công ty chọn ra những cá nhân tích cực làm nhân viên tập sự (có hỗ trợ lương) trong 6 tháng rồi chọn ra người phù hợp nhất để ký hợp đồng lao động xuất sắc.
Chỉ có 8% DN hợp tác với cơ sở GDNN Đó là số liệu được Phó giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ) Afsana Zeraie nêu trong báo cáo tham luận tại hội thảo liên kết đào tạo kỹ năng nghề giữa cơ sở GDNN và DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tổ chức cuối tháng 9-2022. |
“Bằng cách làm đó, công ty chúng tôi đã chủ động được nguồn nhân lực. Các bạn có năng lực phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc và quan trọng là có cam kết gắn bó lâu dài với công ty. Nhờ ổn định được đội ngũ nên hoạt động của công ty ngày càng phát triển. Bản thân tôi cũng tin tưởng và dần bàn giao việc quản lý cho nhân viên để có nhiều thời gian tham gia các hoạt động xã hội, kết nối và mở rộng kinh doanh” - ông Hải cho biết.
Nhận sinh viên kiến tập, thực tập đang là hình thức hợp tác chủ yếu giữa DN và các cơ sở GDNN. Với sự liên kết này, sinh viên có môi trường thực hành để làm quen với công nghệ và dần thích nghi với vị trí làm việc sau khi ra trường. DN có thể tuyển được nhân sự phù hợp mà không cần tốn thời gian đào tạo lại. Nhà trường có thể nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Những năm gần đây, các DN còn được mời tham gia góp ý, xây dựng chương trình đào tạo. Tuy nhiên, theo một số DN, nội dung hợp tác này vẫn còn mang tính hình thức. Theo đó, các cơ sở GDNN tự xây dựng chương trình đào tạo rồi gửi DN đọc trong ít ngày, sau đó tổ chức hội thảo lấy ý kiến để thông qua chương trình. Với cách làm này, chương trình đào tạo chưa thực sự sát với yêu cầu thực tế của DN.
“DN cần tham gia quá trình xây dựng chương trình đào tạo ngay từ đầu. Nghĩa là nhà trường cần đến DN để khảo sát, lấy ý kiến của DN (DN cần gì, yêu cầu khung năng lực của từng vị trí việc làm ra sao…) rồi mới xây dựng dự thảo chương trình đào tạo. Khi có bản dự thảo, các cơ sở GDNN cần tiếp tục lấy ý kiến của DN nhằm đưa ra chương trình đào tạo phù hợp nhất” - đại diện một DN cho biết.
* Đào tạo theo nhu cầu của DN
Từ năm học 2019-2020, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi nhận đào tạo ngành Thiết kế - may thời trang theo đơn đặt hàng của các DN. Cụ thể, trường đã đào tạo cho cán bộ, nhân viên, công nhân lao động đến từ Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam (H.Trảng Bom, thuộc Tập đoàn Phong Thái) và Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Đây cũng là khóa đào tạo dài hạn hệ chính quy đầu tiên của trường, đánh dấu việc hợp tác giữa nhà trường và DN. Theo đó, có 49 học viên đã theo học và tốt nghiệp được trao bằng vào tháng 9-2022.
Để tạo thuận lợi cho học viên tham gia đầy đủ các buổi học, nhà trường và DN đã có sự phối hợp chặt chẽ, bố trí thời gian học hợp lý, chương trình đào tạo cũng có sự tham gia tích cực của DN đặt hàng đào tạo.
Anh Nguyễn Minh Đức, nhân viên Trung tâm Phát triển và sáng tạo sản phẩm Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam cho biết, bản thân rất vui vì được nhà trường và công ty tạo điều kiện để tham gia khóa học đúng với chuyên ngành đang công tác. Nhờ đó, bản thân anh đã áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế, phục vụ tốt hơn cho công việc.
Để chủ động nguồn nhân lực, đáp ứng sự thay đổi của công nghệ, nhiều DN đã tự tổ chức hoặc đặt hàng các cơ sở GDNN đào tạo nghề. Hình thức liên kết đào tạo giữa Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi với 2 công ty nêu trên là một ví dụ. Việc đào tạo cũng “muôn hình vạn trạng”, tùy vào từng DN. Theo đó, có DN tự xây dựng chương trình và tự tổ chức đào tạo, có DN phối hợp cùng cơ sở GDNN xây dựng chương trình rồi bàn giao nhiệm vụ đào tạo cho cơ sở GDNN.
Việc tiến hành tự đào tạo có lợi thế là kỹ năng của lao động đáp ứng yêu cầu thực tế của DN. Tuy nhiên, khi người lao động chuyển nơi làm việc, có thể sẽ không phù hợp với nơi làm mới. Bên cạnh đó, DN có đội ngũ lao động có tay nghề nhưng lại thiếu kỹ năng sư phạm nên khó truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho lao động được đào tạo, dẫn đến quá trình đào tạo khó đạt hiệu quả như mong muốn.
* “Lấp khoảng trống” nhu cầu thị trường lao động
Trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM Bùi Thị Ninh cho biết, công nghệ 4.0, chuyển đổi số đã tác động lớn đến nhu cầu lao động. Các ngành nghề mới như: thương mại điện tử, logistics… đang rất cần lực lượng lao động.
Trong khi đó, hoạt động đào tạo chính quy lại có độ trễ so với nhu cầu nhân lực thực tế. Nghĩa là khi thực tế phát sinh nhu cầu lao động mới (ngành nghề mới), các cơ sở đào tạo mới bắt tay vào đào tạo. Trước đó, cơ sở đào tạo cần có thời gian để xây dựng chương trình đào tạo, xin phép đào tạo, được cấp chỉ tiêu… rồi mới tuyển sinh, đào tạo. Do vậy, thực tế thị trường đang thiếu hụt nhiều lao động ở các ngành nghề mới.
Để giải quyết sự thiếu hụt này, DN chỉ cần đào tạo một số kỹ năng mới chứ không phải đào tạo lại toàn bộ. Do đó, cơ sở GDNN cần linh hoạt hình thức đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực của DN. Muốn làm được điều đó, cơ sở GDNN và DN cần ngồi lại với nhau, thảo luận xem kỹ năng nào mà DN cần; sau đó cùng xây dựng chương trình đào tạo hoặc bổ sung các module cho các ngành đào tạo hiện có một cách kịp thời.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai Huỳnh Lê Tuấn Dũng cho hay, những năm qua, nhà trường đã chủ động liên kết với DN trong đào tạo nghề nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về hành lang pháp lý cho hoạt động này. Trên thực tế, vì chưa có một hành lang chuẩn nên hoạt động liên kết đào tạo nghề giữa nhà trường và DN đang được mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu. Do vậy, phía cơ sở GDNN cần được hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa bằng văn bản của cấp trên để thực hiện đúng.
Hải Yến
Bài 2: Thiếu cơ chế đảm bảo quyền lợi…