Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điều cần biết khi tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung

07:12, 22/12/2022

Theo khuyến cáo của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, tất cả phụ nữ từ 21 tuổi trở lên đã có quan hệ tình dục nên thực hiện tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung (CTC) vì điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, tất cả phụ nữ từ 21 tuổi trở lên đã có quan hệ tình dục nên thực hiện tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung (CTC) vì điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Tùy theo từng độ tuổi mà phụ nữ nên thực hiện các loại xét nghiệm tầm soát khác nhau để sớm phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.

Tiêm vaccine HPV cho trẻ em gái tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Tiêm vaccine HPV cho trẻ em gái tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Với những phụ nữ từ 21-29 tuổi nên tầm soát các tế bào bất thường. Nếu kết quả âm tính thì 3 năm sau có thể lặp lại test này. Phụ nữ từ 30-65 tuổi có 2 lựa chọn là test tế bào bất thường hoặc test virus HPV (virus gây nên bệnh ung thư CTC). Nếu kết quả âm tính thì 3 năm và 5 năm sau thực hiện tầm soát lại. Hoặc có thể kết hợp giữa test tế bào bất thường và test virus HPV.

Ngoài việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát, một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư CTC chủ động, hiệu quả nhất là tiêm vaccine ngừa ung thư CTC (HPV).

Hiện có các loại vaccine HPV sau: vaccine 2 trong 1 sẽ phòng ngừa được 2 type virus gây ung thư CTC phổ biến nhất là type 16 và type 18. Vaccine tứ giác phòng ngừa 4 tuýp virus là 6, 11, 16 và 18, có tác dụng phòng ngừa 90% các bệnh lý về sinh dục như u nhú, mào gà mà phụ nữ hoặc nam giới có thể mắc phải.

Bên cạnh đó, hiện còn có loại vaccine cửu giác giúp phòng ngừa 9 type virus gây ung thư CTC đối với phụ nữ.

Tùy từng độ tuổi và nhu cầu mà bác sĩ sẽ tư vấn cho người dân sử dụng các loại vaccine phù hợp. Vaccine HPV được khuyến cáo sử dụng cho cả phụ nữ và nam giới để phòng ngừa các bệnh liên quan đến virus HPV.

An Yên

 

Tin xem nhiều