Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh được xác định trong năm 2023 trên lĩnh vực văn hóa - xã hội là chú trọng phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh được xác định trong năm 2023 trên lĩnh vực văn hóa - xã hội là chú trọng phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Theo đó, tỉnh sẽ bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người tương xứng, ngang tầm với kinh tế. Chú trọng nâng cấp, mở rộng các thiết chế văn hóa, mở rộng không gian, địa điểm gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở cấp cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân, người lao động các khu công nghiệp và thanh thiếu nhi trong toàn tỉnh.
Theo Sở VH-TTDL, đến nay toàn tỉnh có 11/11 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao, đạt tỷ lệ 100%; 138/170 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 81,2%; 865/932 ấp, khu phố có nhà văn hóa, đạt 92,8%. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Tuy nhiên, qua khảo sát của ngành Văn hóa mới đây cho thấy, hiện khá nhiều thiết chế văn hóa hoạt động không hiệu quả, chưa thu hút được người dân đến tham gia, gây lãng phí không nhỏ. Điều này đòi hỏi phải có sự rà soát, đánh giá lại thực trạng của các thiết chế văn hóa cơ sở, từ đó tìm giải pháp khắc phục để đây thực sự là những thiết chế phục vụ cho nhu cầu của người dân ở mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, có thể thấy Đồng Nai hiện thiếu không gian văn hóa công cộng, nhất là ở thành phố lớn như Biên Hòa. Quy hoạch của thành phố khá cũ, không bố trí được nhiều không gian văn hóa công cộng để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Ngay cả những thiết chế văn hóa lớn sử dụng vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật, dù đã có ý tưởng nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Vì thế, hoạt động văn hóa, văn nghệ của TP.Biên Hòa còn thiếu những chương trình mang tính quy mô, đáp ứng được đa dạng nhu cầu của người dân, nhất là với công nhân lao động và giới trẻ.
Năm 2022, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là gần 294 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021. Đây là một cố gắng lớn của tỉnh trong đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, song có thể thấy, đây là lĩnh vực cần nhiều hơn sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội. Trong đó, việc kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này được xem là rất quan trọng, giúp hoạt động văn hóa, thể thao tạo được sức bật trong thời gian tới. Tuy nhiên, để huy động xã hội hóa thành công đòi hỏi những chế độ, chính sách đi kèm phải đồng bộ, tạo thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư nhằm tạo ra nhiều thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân cũng như quảng bá hình ảnh đất và người Đồng Nai.
Minh Ngọc