Năm 2023, Đồng Nai đặt mục tiêu giảm 30% số hộ nghèo A đa chiều. Để đạt được mục tiêu giảm số hộ nghèo gần gấp đôi so với năm 2022, nhiều giải pháp được triển khai nhằm trợ giúp hộ nghèo vươn lên và không để hộ đã thoát nghèo tái nghèo.
Năm 2023, Đồng Nai đặt mục tiêu giảm 30% số hộ nghèo A đa chiều. Để đạt được mục tiêu giảm số hộ nghèo gần gấp đôi so với năm 2022, nhiều giải pháp được triển khai nhằm trợ giúp hộ nghèo vươn lên và không để hộ đã thoát nghèo tái nghèo.
Bà Lê Thị Thanh Hương (ngụ xã Long Đức, H.Long Thành) chăm sóc đàn gà của gia đình từ nguồn vốn vay chính sách. Ảnh: S.Thao |
Đồng Nai hiện còn 7.962 hộ nghèo, trong số này có 5.103 hộ nghèo A, số còn lại là hộ nghèo B. Đồng thời, tỉnh còn có 6.664 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung ương giai đoạn 2022-2025. Điều này đồng nghĩa với việc trong 11 tháng còn lại của năm 2023, sẽ có hơn 1,5 ngàn hộ nghèo A thoát nghèo.
* Đưa chính sách giảm nghèo đến với người dân
Năm 2023, ngành LĐ-TBXH cùng các địa phương chú trọng thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đúng - đủ - kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng là ưu tiên hàng đầu. Tùy theo từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà mỗi địa phương chú trọng thực hiện các giải pháp như: chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ tiền điện, chính sách hỗ trợ y tế, chính sách nhà ở…
Tỉnh sẽ triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được HĐND tỉnh ban hành vào cuối năm 2022. Trong đó, có hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ thêm 20% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ thu nhập trung bình làm nông, lâm, ngư nghiệp; nâng mức trợ giúp xã hội lên 400 ngàn đồng/tháng và hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho thành viên thuộc hộ nghèo B (là hộ nghèo mà tất cả các thành viên thuộc hộ không có sức lao động, không có khả năng thoát nghèo) và người từ 75-80 tuổi thuộc hộ nghèo A…
Năm 2022, kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hơn 71 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 39,2 ngàn tỷ đồng và kinh phí vận động, số tiền các gia đình tham gia vào các dự án giảm nghèo hơn 31,8 ngàn tỷ đồng. |
Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền, Đồng Nai có trên 41,2 ngàn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Tỉnh có gần 10 ngàn doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội với gần 807 ngàn người. Năm 2023, UBND tỉnh đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; đẩy mạnh hoạt động giải quyết việc làm gắn với đào tạo nghề; thu hút đầu tư các ngành dịch vụ công nghiệp kỹ thuật cao và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người dân.
Tỉnh cũng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ người dân tự tạo việc làm gắn với nguốn vốn chính sách.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, năm 2023, chi nhánh bố trí gần 3 ngàn tỷ đồng đối với các chương trình cho vay ưu đãi nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn làm ăn, xây dựng, sửa sang nhà cửa và trang trải chi phí học tập của con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Bà Nguyễn Thị Phương (hộ cận nghèo ở P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho hay, được tiếp cận với số vốn vay chính sách 70 triệu đồng giúp gia đình bà có điều kiện tự tạo việc làm để có thêm thu nhập trong cuộc sống.
* Huy động nguồn lực cộng đồng
Cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, một kênh giúp người dân giảm nghèo đó là nguồn lực cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết, năm 2022, thông qua công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ, giúp đỡ người nghèo thông qua Quỹ Vì người nghèo với tổng giá trị trên 733 tỷ đồng và các chương trình an sinh xã hội thực hiện trực tiếp tại cộng đồng có giá trị trên 701 tỷ đồng. Qua đó, nhiều nhà ở kiên cố đã được xây dựng, sửa chữa và bàn giao cho người dân; những suất học bổng kịp thời đến với học sinh, sinh viên gia đình chính sách, gia đình nghèo để các em tiếp tục đến trường; người mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ điều trị bệnh…
Trước thực tế cuộc sống của người dân đang chịu nhiều tác động, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho hay, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cùng những hoàn cảnh khó khăn khác thông qua việc duy trì và mở rộng các hoạt động, mô hình giảm nghèo để huy động sức mạnh trong dân chăm lo, hỗ trợ người dân nghèo khó. MTTQ Việt Nam tỉnh rất mong nhận được sự chung tay đóng góp, giúp đỡ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị nhằm chung tay hỗ trợ, chăm lo cho những hoàn cảnh kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.
Sinh viên Phan Kế Sự (Trường đại học Đồng Nai) cho hay, anh đang hưởng trợ cấp bảo trợ của Nhà nước dành cho hoàn cảnh mồ côi cha mẹ. Cùng với số tiền này, thông qua chương trình học bổng Nguyễn Văn Ký do Ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện, mỗi năm anh được hỗ trợ suất học bổng trị giá 5 triệu đồng. “Số tiền này là khá lớn đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như tôi” - anh Sự nói.
Còn với các tổ chức hội, đoàn thể, việc huy động nguồn lực tại chỗ thông qua gây quỹ trong hội viên, vận động mạnh thường quân… để trợ giúp cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vươn lên tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, năm 2022, tổng giá trị tiền, hàng mà các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh vận động, tiếp nhận để thực hiện hoạt động nhân đạo xã hội, phòng ngừa, ứng phó thảm họa, trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt trên 203 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kịp thời trợ giúp cho trên 1 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn trong cũng như ngoài tỉnh. Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho trên 12 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn. Năm 2023, cùng với thực hiện các chương trình từ thiện, nhân đạo như những năm trước, Hội Chữ thập đỏ các cấp sẽ vận động, phân bổ nguồn lực để thực hiện chương trình trợ giúp nhân đạo đối với ngư dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại các khu vực sông nước trên địa bàn tỉnh.
V.Truyên - N.Dũng