Báo Đồng Nai điện tử
En

Lớp học tình thương giữa Rừng Lá

08:03, 16/03/2023

Nhiều năm qua, lớp học tình thương giữa khu vực Rừng Lá thuộc Suối Điệp (ấp 1, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) là nơi giúp nhiều trẻ em và kể cả người lớn biết viết tên mình, làm được phép tính.

Nhiều năm qua, lớp học tình thương giữa khu vực Rừng Lá thuộc Suối Điệp (ấp 1, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) là nơi giúp nhiều trẻ em và kể cả người lớn biết viết tên mình, làm được phép tính.

Cô và trò lớp học tình thương chùa Thiền Lâm trong buổi chào cờ đầu tuần. Ảnh: S.Thao
Cô và trò lớp học tình thương chùa Thiền Lâm trong buổi chào cờ đầu tuần. Ảnh: S.Thao

Lớp học chỉ là gian nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa bốn bề cây cối và những tảng đá khổng lồ được xem là điểm nhộn nhịp nhất của khu vực Suối Điệp khi hàng ngày vang lên tiếng học bài, vui chơi của hơn 20 trẻ em.

* Gieo chữ giữa rừng cây

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 1, cách đây gần 30 năm, nhà sư Thông Hòa (chùa Thiền Lâm) đã thực hiện lớp học này. Những trẻ học ở đây hầu hết thuộc trường hợp theo cha mẹ từ nhiều tỉnh, thành rày đây mai đó làm việc cho các công trường, trại chăn nuôi, làm thuê theo vụ mùa. Thêm vào đó, đa số cha mẹ và chính các em đều không có giấy tờ tùy thân nên việc thực hiện các thủ tục nhập học cũng rất khó.

Một điểm gian nan đến trường chính quy đối với các em nữa là nơi sinh sống cách quá xa trường, đường rất khó di chuyển. Cha mẹ gần như bỏ liều các em tự chơi ở nhà để lo đi làm mướn.

Chị NGUYỄN THỊ DIỆU, người phụ trách lớp học chùa Thiền Lâm chia sẻ: “Việc dạy học cho các em ở đây chỉ là giải pháp cuối cùng nhằm giúp bọn nhỏ biết đọc, biết viết. Mong sao cha mẹ cũng như chính quyền địa phương dành thêm nhiều sự ưu tiên hơn nữa để bọn nhỏ có thể đến trường lớp chính quy”.

Từ thực tế này, nhà sư Thông Hòa đã đứng ra tổ chức lớp học. Chị Nguyễn Thị Diệu được giao phụ trách lớp học cho hay, chị mới đảm nhận lớp học tình thương này được 5 năm. Trước đây, lớp học do một thầy giáo lớn tuổi phụ trách. Một lần, trong quá trình di chuyển từ nhà vào lớp học, một phần do đường hết sức khó đi, phần vì thầy lớn tuổi nên bị té xe, dẫn đến chấn thương sọ não. Sau thời gian điều trị rất dài, thầy quay lại với lớp vì thương bọn nhỏ. Nhưng được ít lâu, vì sức khỏe không cho phép nên lớp lại rơi vào tình trạng không người phụ trách.

Trong một lần tình cờ đến thăm chùa, chị Diệu được sư Thông Hòa cho biết đang thiếu người dạy chữ cho bọn nhỏ. Khi biết được nguyên nhân, chị rất phục thầy giáo cao tuổi cũng như việc làm của nhà chùa và muốn nối tiếp công việc này. Vậy là chị nhận dạy chữ cho các em.

“Nhà sư nói dạy bọn nhỏ, nhà chùa không có lương để trả cho mình mà chỉ giúp gạo, rồi khi có quà thì sẽ tặng thêm. Nhưng mình vẫn đồng ý và đã duy trì công việc này hơn 5 năm qua” - chị Diệu chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Diệu cũng cho biết, ban đầu chị dạy 2 buổi/ngày. Song từ khi có con nhỏ, do phải đưa đón con nên chị chỉ có thể dạy học vào buổi chiều. Mỗi ngày, chị dạy bọn nhỏ viết chữ, tập đọc, tập làm văn, làm toán, dạy kỹ năng xử lý một số tình huống khi gặp phải thương tích…

Chị Nguyễn Thị Diệu, người phụ trách lớp học ở chùa Thiền Lâm hướng dẫn trẻ viết tên mình lên bảng
Chị Nguyễn Thị Diệu, người phụ trách lớp học ở chùa Thiền Lâm hướng dẫn trẻ viết tên mình lên bảng

* Nơi học, nơi chơi và nơi dạy “dạ thưa”

Nhờ có lớp học này mà trước hết trẻ em của gần 20 gia đình sống tại khu vực này thoát cảnh tự chơi tại nhà trong khi cha mẹ đi làm thuê. Bởi, mỗi gia đình cách nhau một khoảng cách khá xa và còn xa hơn khi ra đến những khu dân cư khác.

Hiện là trẻ lớn nhất trong lớp học, em Nguyễn Văn Tiến (12 tuổi) nói: “Con theo cha mẹ đi làm thuê từ chỗ này qua chỗ khác. Trước con học ở đây một thời gian rồi, nhưng sau phải nghỉ để theo cha mẹ qua xã khác. Khi quay lại đây ở thì con tiếp tục đi học lại. Trước con, 2 anh của con cũng học chữ tại đây và biết đọc, biết viết”.

Giờ tan học của trẻ em ở lớp học tình thương chùa Thiền Lâm, phía sau các em là gian nhà của lớp học với rừng cây bao quanh
Giờ tan học của trẻ em ở lớp học tình thương chùa Thiền Lâm, phía sau các em là gian nhà của lớp học với rừng cây bao quanh

Còn em Văn Phong (10 tuổi) kể thêm: “Con học ở đây 4 năm. Giờ con đọc viết, làm toán rành rồi. Ngoài giờ học, tụi con được chơi dán giấy xếp hình, lắp ghép mô hình, học hát, học vẽ. Thứ hai, tụi con chào cờ, hát Quốc ca, đọc 5 điều Bác Hồ dạy. Đi học ở đây con thấy vui lắm”.

Riêng với Diễm My (6 tuổi), đây là tuần đầu tiên em đến với lớp học này. Theo bà Nguyễn Thu, mẹ Diễm My, vợ chồng bà làm thuê cho trại gà. Khi đi làm thì vợ chồng bà khóa cửa để con tự chơi trong nhà, vì không có ai trông coi. Khi biết lớp học này, bà đưa con đến học và được tiếp nhận.

“Trước giờ bé chưa đi học ở đâu nên ngày đầu rất nhát. Nhưng mấy ngày sau, con bé rất vui, tới giờ là đòi đi học. Khi đi hay lúc học về, bé biết chào mẹ cha. Vợ chồng tôi rất mừng vì có nơi dạy miễn phí cho con mình, cô dạy học thương bọn nhỏ nên bé rất ham đến lớp” - bà Thu chia sẻ.

Tuy mỗi trẻ ở lớp học một hoàn cảnh song khi đến với lớp học tình thương này, các em đều đón nhận được niềm vui, sự quan tâm của cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 1, ngoài việc các em được hỗ trợ học tập, gia đình của các em thuộc diện khó khăn nên luôn được địa phương quan tâm, mỗi khi vận động được quà là ưu tiên trao tặng. Ngoài ra, cơ sở tôn giáo còn phối hợp cùng ban ấp, địa phương thực hiện công trình nhà ở cho gia đình hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chỗ ở cho gia đình các em theo học ở lớp học tình thương.  

Sông Thao

Tin xem nhiều