Có thiết chế văn hóa - thể thao (VH-TT) với nhiều hoạt động, phong trào vui chơi giải trí, trang bị kỹ năng sống cho thiếu nhi… là mong muốn của thành viên hội đồng trẻ em các cấp - những người đại diện cho trẻ em tại địa phương.
Có thiết chế văn hóa - thể thao (VH-TT) với nhiều hoạt động, phong trào vui chơi giải trí, trang bị kỹ năng sống cho thiếu nhi… là mong muốn của thành viên hội đồng trẻ em các cấp - những người đại diện cho trẻ em tại địa phương.
Thiếu nhi tại TP.Biên Hòa được tham gia các hoạt động tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai |
Thấu hiểu mong muốn này, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng các thiết chế VH-TT, tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em.
Thiếu sân chơi dành riêng cho trẻ em
Hiện nay, ngoài Nhà thiếu nhi Đồng Nai, 3 đơn vị có nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện là: Xuân Lộc, Long Thành và Long Khánh. Tại các địa phương đều có trung tâm VH-TT cấp huyện có chức năng tổ chức các hoạt động VH-TT. Đối với cấp xã, hiện nay đã có đầy đủ các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng là địa điểm sinh hoạt góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn vào tháng 10-2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh, các thiết chế văn hóa dành cho thanh thiếu nhi rất cần thiết nhằm hướng thanh thiếu nhi đến lối sống lành mạnh nên cần phải làm ngay. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cần phối hợp với các ngành GD-ĐT, VH-TTDL đẩy mạnh hoạt động VH-TT học đường, xã phường, tạo điều kiện để thanh thiếu nhi rèn luyện, phát triển toàn diện. |
Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên, tại buổi gặp gỡ, giao lưu giữa thành viên hội đồng trẻ em các cấp với các đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây cho thấy, các thiết chế này chưa gắn liền với hoạt động, phong trào phục vụ nhu cầu của thiếu nhi.
Tỉnh đoàn đã tiến hành khảo sát về hoạt động của nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện sau khi sáp nhập với trung tâm VH-TT cấp huyện cho thấy, hoạt động của nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện thiếu sự đổi mới, thiếu chiều sâu do nguồn lực thực hiện công tác chuyên môn “xé” nhỏ, nhân sự bị cắt giảm. Do đó, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các lớp kỹ năng, CLB, đội, nhóm dành riêng cho thiếu nhi gặp khó khăn. Nhiều em thiếu nhi ở các địa phương có nhu cầu đăng ký học các môn năng khiếu theo sở thích nhưng không có. Các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng cấp xã cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức các hoạt động VH-TT dành riêng cho trẻ em.
Em Đỗ Đăng Khoa, học sinh lớp 9/1 Trường TH-THCS Lương Thế Vinh (H.Thống Nhất) cho hay, nhu cầu vui chơi, sinh hoạt, được trang bị các kỹ năng sống là vô cùng cấp thiết của trẻ em hiện nay. Tuy nhiên, ở khu vực Đăng Khoa sinh sống, khu vui chơi dành cho thiếu nhi rất ít. Các khu vui chơi chủ yếu là của tư nhân, khi tham gia phải trả phí. Đối với trẻ em sinh ra trong gia đình khá giả, việc tham gia các khu vui chơi này khá thuận lợi, nhưng đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, việc tiếp cận với các sân chơi này còn hạn chế.
Qua kết quả khảo sát của Tỉnh đoàn, trên 70% ý kiến thành viên Hội đồng trẻ em các cấp được khảo sát cho rằng ở địa bàn các em sinh sống không có địa điểm sinh hoạt, vui chơi dành riêng cho thiếu nhi.
Tận dụng các thiết chế văn hóa
Tại buổi gặp gỡ, giao lưu giữa thành viên Hội đồng trẻ em các cấp với đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, anh Nguyễn Minh Kiên khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thiếu nhi H.Trảng Bom rất hồ hởi khi được xem biểu diễn múa lân tại chương trình Tết trung thu năm 2022 |
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em… với nhiều nội dung liên quan đến việc tổ chức các hoạt động, phong trào vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Trong thông báo Kết luận số 168-KL/VPTU về buổi làm việc của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về công tác triển khai các nhiệm vụ sau Đại hội đại biểu Đoàn TNCSHCM tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 nhấn mạnh về chủ trương xây dựng các công cụ, thiết chế phục vụ hiệu quả công tác Đoàn. Trong đó, chủ trương thành lập 1 cung văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh, 1 nhà văn hóa thanh niên cấp tỉnh và 11 trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi cấp huyện. Đây là việc cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Tỉnh đoàn sẽ chủ động phối hợp với các ngành nhanh chóng triển khai thực hiện chỉ đạo này của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Để giải quyết nhu cầu vui chơi, giải trí của thiếu nhi, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho rằng, trước mắt cần phải tận dụng được các thiết chế văn hóa đã có để tổ chức hoạt động dành cho trẻ em. Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục có chỉ đạo đối với tổ chức Đoàn, Đội các cấp phối hợp với các địa phương tận dụng tối đa thiết chế văn hóa tại địa phương trong việc tổ chức những hoạt động vui chơi dành cho trẻ em. Nhất là trong dịp hè sẽ tập trung tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội… Không chỉ riêng tổ chức Đoàn, Đội mà việc tham gia tổ chức các hoạt động dành cho trẻ em còn có sự tham gia của ngành GD-ĐT, VH-TTDL, LĐ-TBXH và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan.
Em Hoàng Ngọc Thanh Trúc (ở xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) đề xuất, bên cạnh các hoạt động vui chơi truyền thống, các cấp, các ngành, nhất là những người quản lý thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi cần cập nhật liên tục những hình thức vui chơi mới để thu hút được thiếu nhi đến với các thiết chế văn hóa.
Nguyễn Tuyết