Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh mạn tính, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thời tiết giao mùa có thể làm bệnh tái phát bất cứ lúc nào. Đối với bệnh nhân bị hen suyễn nặng, nếu lên cơn hen mà không xử lý kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh mạn tính, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thời tiết giao mùa có thể làm bệnh tái phát bất cứ lúc nào. Đối với bệnh nhân bị hen suyễn nặng, nếu lên cơn hen mà không xử lý kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Khi trẻ có các triệu chứng như: thở nông, nhanh, cánh mũi phập phồng… cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa để xác định rõ trẻ chỉ bị bệnh hô hấp thông thường hay bị hen suyễn. Ảnh: H.Yến |
Trẻ em bị hen suyễn cần phải có sự theo dõi sát sao của cha mẹ, tuân thủ điều trị của bác sĩ. Trẻ hen suyễn nếu nhiễm Covid-19 sẽ rất nguy hiểm.
* Ngắt quãng điều trị khiến bệnh trở nặng
Chị P.N.T. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) kể, con gái chị bị bệnh hen suyễn mức độ nhẹ. Bé được cấp thuốc xịt dự phòng để ngăn cơn hen và đi khám định kỳ 2 tháng/lần. Duy trì xịt thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong nhiều năm, con của chị T. rất ít khi bị lên cơn hen. Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị T. không đưa con đi tái khám và không duy trì việc xịt thuốc nên bé bị lên cơn hen trở lại. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con, chị T. vội đưa con đi tái khám.
“Do điều trị gián đoạn nên tình trạng bệnh của con nặng hơn, bác sĩ đã phải tăng liều lượng thuốc so với trước đó. Hiện nay, bé vẫn duy trì tái khám 2 tháng/lần và được theo dõi sát, cứ 3-4 tháng lại được đo chức năng hô hấp. Nếu bệnh có tiến triển tốt thì sẽ được giảm liều lượng thuốc” - chị T cho hay.
Theo BS CKII Đồng Minh Hùng, Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hen suyễn là bệnh đường hô hấp nên sẽ có những triệu chứng giống như bệnh lý về đường hô hấp khác như: viêm họng, viêm hô hấp, cúm… Tuy nhiên, cần chú ý đặc tính của bệnh hen suyễn là cơ địa dị ứng.
Đây không phải là bệnh nhiễm trùng nên đa số bệnh nhân không bị sốt, trừ khi có bội nhiễm. Việc khởi phát cơn hen là đột ngột (khi tiếp xúc với dị nguyên, chất lạ). Sau cơn hen (khoảng 10-15 phút) thì bệnh nhân có thể trở về trạng thái bình thường. Đối với các bệnh đường hô hấp khác thường do vi trùng, virus nên bệnh nhân có bị sốt, diễn tiến từ từ, có thể kéo dài từ 3-10 ngày.
* Phòng ngừa Covid-19 cho bệnh nhân hen suyễn
Bệnh hen suyễn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi (đa số xảy ra ở độ tuổi dưới 40). Tuy nhiên, ở trẻ em, tỷ lệ trẻ em nam mắc bệnh này nhiều hơn trẻ em nữ. Điều này ngược lại ở người lớn. BS CKII Đồng Minh Hùng cho hay, đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của tình trạng trên. Có một giả thiết được đưa ra là hoóc-môn giới tính có ảnh hưởng đến điều này, nhưng vẫn chưa có bằng chứng để chứng minh.
Một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn ngày càng tăng. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có thể do điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm. Thêm vào đó, trẻ em ngày nay tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân gây dị ứng từ thức ăn. Điều đáng mừng là những trẻ bị hen suyễn khi lớn lên có thể tự khỏi. Nếu khi lớn lên mà vẫn không khỏi thì có thể sẽ mắc căn bệnh này suốt đời.
BS CKII Đồng Minh Hùng khuyến cáo, bệnh nhân hen suyễn nếu mắc Covid-19 sẽ rất nguy hiểm. Theo đó, khi xâm nhập vào cơ thể, virus SARS-CoV2 sẽ “thường trú” và tàn phá hệ hô hấp trước tiên. Những bệnh nhân hen suyễn vốn đã bị tổn thương phổi nếu bị mắc Covid-19 sẽ khiến cho bệnh nặng hơn, kéo dài hơn, thậm chí tử vong.
“Nghiên cứu cho thấy, bệnh hen suyễn không làm tăng khả năng mắc bệnh Covid-19 nhưng bệnh Covid-19 làm cho cơn hen nặng hơn, kéo dài hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với bệnh hen mà không bị Covid-19” - BS Hùng cho hay.
Hải Yến