Vừa qua, nhiều phụ huynh là công nhân lao động có con đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập tại các cụm, khu công nghiệp (KCN) vui mừng vì được nhận tiền hỗ trợ từ chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Vừa qua, nhiều phụ huynh là công nhân lao động có con đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập tại các cụm, khu công nghiệp (KCN) vui mừng vì được nhận tiền hỗ trợ từ chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Nhàn đón con tại Trường mầm non Tư thục Thái Quang của Công ty CP TKG Taekwang Vina sau giờ tan ca. Ảnh: H.Thảo |
Niềm vui ấy là minh chứng cho Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 8-12-2021 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Nghị quyết 22) đã thật sự đi vào thực tiễn.
* Ý nghĩa và ấm lòng
Công nhân Nguyễn Thị Nhàn làm việc tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP.Biên Hòa) có 2 con nhỏ, đang ở trọ. Vì điều kiện khó khăn nên chị Nhàn để 1 con ở quê với ông bà, 1 con đang học ở Trường mầm non Tư thục Thái Quang do công ty xây dựng. “Mới đây, khi nhận được số tiền 480 ngàn đồng từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 22, thực sự tôi rất vui. Tôi làm hồ sơ từ khi con còn học ở một trường mầm non tư thục khác, nay chuyển sang trường mới mà vẫn được nhận hỗ trợ. Có thêm tiền hỗ trợ là con sẽ có thêm sữa để uống” - chị Nhàn bộc bạch.
Thu nhập của chị Nhàn mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, còn chồng chị làm công việc tự do, thu nhập không ổn định. Vừa thuê trọ lại nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống sinh hoạt thường xuyên thiếu trước hụt sau. “Khó khăn, áp lực rất nhiều nên được hỗ trợ thêm mỗi tháng 160 ngàn đồng với tôi cũng thật ý nghĩa” - chị Nhàn bày tỏ.
Đó cũng là chia sẻ của chị Đinh Thị Thoa, công nhân Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (TP.Biên Hòa) hiện có 2 con nhỏ. Chị Thoa bộc bạch: “Cầm số tiền 560 ngàn đồng được hỗ trợ, tôi cảm thấy rất ấm lòng. Bởi không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà tôi thấy được các cấp, các ngành của tỉnh đã có sự quan tâm, chia sẻ với đời sống công nhân chúng tôi. Số tiền được nhận trong điều kiện nhiều công nhân bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập lại càng thêm giá trị”.
Theo UBND TP.Biên Hòa, trong đợt 1, từ tháng 2 đến tháng 5-2022, thành phố có gần 23 ngàn trẻ và 472 giáo viên được hỗ trợ theo Nghị quyết 22 với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng. UBND thành phố đang duyệt hồ sơ đợt 2 từ tháng 9 đến 12-2022. TP.Biên Hòa là địa phương có số lượng lớn cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục. Mặt khác, đối với học sinh mầm non, trong 1 năm phụ huynh có thể cho con học ở nhiều cơ sở khác nhau chứ không chỉ ở một cơ sở… Vì vậy, việc rà soát, triển khai chính sách hỗ trợ cũng cần nhiều thời gian.
* Quan tâm, chăm lo con công nhân lao động
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, tập trung rất lớn công nhân lao động đang làm việc và sinh sống. Tính đến thời điểm ban hành Nghị quyết 22, theo UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh có gần 900 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (gồm 159 trường mầm non và 899 cơ sở mẫu giáo độc lập tư thục) tổ chức nuôi, dạy trẻ là con em công nhân, người lao động ở các cụm, KCN với quy mô khoảng 50.397 trẻ. Những năm qua, việc phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn được tỉnh quan tâm.
Điển hình là trước đó, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 101/2017/NQ-HĐND ngày 8-12-2017 về việc quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020. Nghị quyết 22 chính là sự tiếp nối chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Theo nghị quyết này, một trong những đối tượng hỗ trợ đầu tiên là trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại cụm, KCN trên địa bàn tỉnh được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Mức hỗ trợ là 160 ngàn đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế trong năm học, nhưng không quá 9 tháng; trường hợp học dưới 15 ngày trong 1 tháng thì được tính 1/2 tháng; trường hợp từ 15 ngày trở lên thì tính tròn 1 tháng.
Đặc biệt, so với quy định chung của Chính phủ tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về việc quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, chính sách nói trên của tỉnh đã có sự mở rộng hơn về đối tượng. Điều này vừa phù hợp với chủ trương của trung ương, phù hợp với đặc thù là tỉnh công nghiệp.
Bà NGUYỄN THỊ TRANG, chủ một cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, trường của bà có phần lớn trẻ là con em người lao động đang làm việc tại cụm, KCN trên địa bàn. Vừa qua, khi được nhận tiền hỗ trợ, phụ huynh đều rất vui mừng. Dù vậy, vẫn có trường hợp phụ huynh không được nhận do công ty không nằm trong cụm, KCN; một số trường hợp khác do công ty không tạo điều kiện ký xác nhận cho công nhân lao động nên họ không có đủ hồ sơ giấy tờ… |
Hồ Thảo