Nhiều trường đại học đã có dự kiến tăng học phí trong năm học 2023-2024 sắp tới, khiến nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng.
Nhiều trường đại học đã có dự kiến tăng học phí trong năm học 2023-2024 sắp tới, khiến nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng.
Phụ huynh đưa con đến tham gia kỳ thi đánh giá năng lực xét tuyển vào đại học do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức vào tháng 3 tại Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: C.NGHĨA |
Việc tiếp tục điều chỉnh tăng học phí có thể tác động nhất định tới tâm lý phụ huynh và công tác tuyển sinh của các trường đại học. Nhưng nếu không tăng học phí thì các trường sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Nỗi lo tăng học phí đại học
Việc tăng học phí được các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, nghị định này quy định rõ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Mức trần thu học phí đối với các cơ sở giáo dục chưa tự chủ tài chính có mức dao động từ 13,5-27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Đối với cơ sở giáo dục đã tự chủ, mức dao động từ 27-69 triệu đồng/năm học.
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81 Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp, Tài chính, LĐ-TBXH và các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81 ngày 27-8-2021 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn giảm học phí. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 phải hoàn thành trước ngày 30-5, làm căn cứ cho các trường đưa ra mức thu học phí năm học 2023-2024. Tinh thần sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, tăng học phí có lộ tình, không tăng đột biến. |
Một trong những nhóm ngành đào tạo có mức tăng học phí cao nhất là nhóm ngành sức khỏe. Cụ thể, Khoa Y của Đại học Quốc gia TP.HCM có mức thu là 55 triệu đồng/năm, ngành điều dưỡng 40 triệu đồng/năm (tăng từ 3-6 triệu đồng so với năm 2022). Còn Trường đại học Y dược TPHCM, nhiều ngành đào tạo tăng học phí ở mức từ 3-8 triệu đồng/năm. Ngành răng - hàm - mặt có mức học phí cao nhất, khoảng 77 triệu đồng/năm học.
Ngày 28-5 Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đã công bố hai mức học phí đối với sinh viên chính quy năm thứ nhất và năm thứ hai. Trong đó, các ngành y khoa, dược học và răng - hàm - mặt là 55,2 triệu đồng/năm, các khối ngành cử nhân (điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học) là 31,64 triệu đồng/năm. Riêng chương trình hợp tác đào tạo giữa trường và Đại học Y khoa Johannes Gutenberg Mainz của Cộng hòa liên bang Đức có mức học phí cao nhất là 209 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, ở nhóm các trường đại học tư thục, mức tăng học phí dự kiến có thể khiến nhiều phụ huynh và học sinh cảm thấy “chóng mặt”. Chẳng hạn, Trường đại học Văn Lang (TP.HCM) ngành răng - hàm - mặt, mức học phí dự kiến dao động khoảng 200 triệu đồng/năm, Y khoa từ 170-196 triệu đồng/năm. Các ngành thuộc khối sức khỏe còn lại như điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y khoa sẽ có học phí theo tín chỉ từ 1,3-2,1 triệu đồng/tín chỉ. Mức học phí của các năm tiếp theo có thể thay đổi nhưng không tăng quá 8% so với mức học phí chuẩn.
Đối với các ngành đào tạo thuộc khối kỹ thuật, kinh tế, luật, xã hội ở nhiều trường đại học đều có sự điều chỉnh tăng. Chẳng hạn Trường đại học Luật TP.HCM có mức tăng gần 18 triệu đồng/năm học (từ 18 triệu đồng lên trên 35 triệu đồng); Trường đại học Bách khoa TP.HCM có mức học phí dự kiến tăng 2,5 triệu đồng (từ 27,5 lên 30 triệu đồng/năm học).
Các trường tại Đồng Nai có tăng học phí?
Tại Đồng Nai có 2 nhóm trường đại học, trong đó có nhóm tự chủ tài chính hoàn toàn và nhóm trường chưa tự chủ. Các trường nhóm chưa tự chủ đều cho biết chưa tăng học phí năm học 2023. Theo đó, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, TS Lê Anh Đức cho biết, nhà trường sẽ không tăng học phí năm học sắp tới để chia sẻ khó khăn với sinh viên và phụ huynh. Hiện tại mức học phí của trường chỉ bằng 1/3 so với nhiều trường khác. Chẳng hạn khối ngành kinh tế cao nhất chỉ 9 triệu đồng, trong khi khối kỹ thuật cao nhất là 12 triệu đồng/năm học.
Đại diện Đại học quốc gia TP.HCM tư vấn cho học sinh Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) về học phí của các trường đại học thành viên và nhiều nội dung liên quan đến chọn trường, chọn ngành. Ảnh: C.NGHĨA |
TS Mai Hải Châu, Phó giám đốc Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp (tại H.Trảng Bom) cho biết: “Đã 3 năm nay, dù rất muốn tăng học phí nhưng do khó khăn về tình hình dịch bệnh nên trường không dám tăng. Khi không tăng học phí, nhà trường sẽ “gánh” phần khó khăn cho sinh viên và phụ huynh. Năm 2023 nhà trường dự kiến sẽ tăng nhẹ khoảng 1-1,5 triệu đồng/năm học, tuy nhiên còn chờ xin ý kiến của cơ quan chủ quản có cho phép tăng hay không”.
Ở nhóm trường đại học tư thục, các trường đều có điều chỉnh tăng nhưng mức tăng khác nhau. Chẳng hạn, Trường đại học Công nghệ Miền Đông (H.Thống Nhất) có mức tăng dự kiến khoảng 10% so với năm học trước, mức thu học phí năm học tới ngành cao nhất là 35 triệu đồng (khối ngành kỹ thuật), thấp nhất là 30 triệu đồng/năm học (thuộc khối kinh tế, ngôn ngữ, sức khỏe).
Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho hay, mức học phí các ngành đào tạo của trường trung bình 32 triệu đồng/năm học. Năm tới, trường chỉ điều chỉnh tăng nhẹ mức học phí từ 1-2 triệu đồng. Sinh viên sẽ được hưởng 1 chính sách học phí, nghĩa là mức học phí này sẽ được áp dụng cho đến khi sinh viên tốt nghiệp mà không tăng thêm. Bên cạnh đó, trường có chính sách cấp học bổng cho tân sinh viên và sinh viên có thành tích học tập khá, giỏi. Cụ thể năm 2023 trường sẽ dành 22 tỷ đồng hỗ trợ học bổng cho sinh viên.
Còn Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, TS Phan Ngọc Sơn cho biết, năm 2022 trường đã tăng 10% và năm 2023 sẽ tiếp tục tăng 10% học phí, ở mức 40 triệu đồng/năm học. TS Sơn cho rằng: “Muốn có chất lượng đào tạo thì phải tăng học phí để đầu tư vào trang thiết bị đào tạo, thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Sinh viên sẽ được hưởng chất lượng đào tạo xứng đáng với số tiền học phí đã bỏ ra để học tập”.
Việc nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí cho năm học sắp tới đang khiến nhiều phụ huynh có con chuẩn bị bước vào đại học lo lắng, nhất là những phụ huynh còn khó khăn. Chị Nguyễn Thị Kim Loan (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Con tôi đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức và dự kiến xét tuyển vào Trường đại học Y dược TP.HCM. Thế nhưng trước thông tin học phí đã cao mà còn tăng thì tôi phải tư vấn cho con tính toán lại cho phù hợp với điều kiện gia đình”.
Công Nghĩa
TS LÊ ANH ĐỨC, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai:
Bài toán khó cho cơ sở giáo dục đại học
Không tăng học phí là một khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay nhà nước buộc phải giữ nguyên mức thu học phí để chia sẻ khó khăn với sinh viên.
PGS-TS NGUYỄN VŨ QUỲNH, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng:
Cần tìm hiểu kỹ về học phí và lộ trình tăng trước khi đăng ký xét tuyển
Ngoài chọn trường, chọn ngành cho đúng, thí sinh phải tìm hiểu kỹ xem mức học phí từng trường có phù hợp với điều kiện gia đình hay không. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý, có trường không công bố rõ ràng lộ trình tăng học phí, thế nhưng qua mỗi năm học phí lại tăng thêm so với năm trước đó. Điều này có thể vượt quá khả năng chi trả, đặt sinh viên vào “chuyện đã rồi”, dẫn đến khả năng cao sinh viên sẽ bỏ học giữa chừng.