Với hơn 25 ngàn thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2023-2024, chỉ trên 10 ngàn thí sinh có cơ hội đậu vào 21 trường THPT công lập có tổ chức thi tuyển, số còn lại phải tìm những cơ hội khác để tiếp tục học tập, trong đó có lựa chọn vào trường nghề.
Với hơn 25 ngàn thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2023-2024, chỉ trên 10 ngàn thí sinh có cơ hội đậu vào 21 trường THPT công lập có tổ chức thi tuyển, số còn lại phải tìm những cơ hội khác để tiếp tục học tập, trong đó có lựa chọn vào trường nghề.
Ngay từ trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, không ít học sinh lớp 9 đã xác định sẽ vào học trường nghề. Có 3 nguyên nhân chủ yếu khiến các em lựa chọn trường nghề. Thứ nhất, sức học yếu, trung bình, khó có khả năng đậu vào trường công lập. Thứ 2, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, không đủ điều kiện theo học các trường ngoài công lập. Thứ 3, học trường nghề vì hội tụ những ưu điểm như vừa được học văn hóa, vừa được học nghề, tốt nghiệp ra trường khả năng tìm được việc làm cao, nhanh chóng cho thu nhập mà vẫn có điều kiện học liên thông lên cao đẳng, đại học.
Rõ ràng, nhận thức của học sinh và phụ huynh hiện nay đã có nhiều thay đổi đối với trường nghề. Trước đây, bằng mọi cách, phụ huynh hướng con học lên THPT, không công lập thì “bèo” lắm cũng là tư thục. Học sinh mà phải học trường nghề, coi như “vứt”. Thế nhưng, cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, đặc biệt là việc chú trọng liên kết với doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho học viên sau khi ra trường, trường nghề ngày càng thu hút được đông đảo học viên theo học.
Quả thật, nhìn vào chất lượng đào tạo một số trường nghề trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, phụ huynh có con đang học THCS hoàn toàn có thể tin tưởng nộp hồ sơ cho con vào học. Bởi khá nhiều học viên tốt nghiệp ở trường nghề, ngay từ khi chưa ra trường đã được các doanh nghiệp lớn nhận vào làm việc với mức lương tốt. Những chương trình đào tạo của trường nghề với một số nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc mở ra nhiều cơ hội cho học viên trường nghề của Việt Nam được cọ xát, làm việc trong môi trường quốc tế. Đặc biệt, với những ngành nghề mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn “khát” lao động, học viên ra trường không sợ thiếu việc làm, thậm chí mức thu nhập còn cao hơn nhiều so với sinh viên tốt nghiệp đại học.
Chính vì những thay đổi của trường nghề đã khiến cho xã hội có cách nhìn khác và đánh giá ngày càng cao chất lượng đào tạo của trường nghề. Đây là điều kiện thuận lợi để công tác tuyển sinh của các trường nghề thuận lợi. Thay vì tuyển “vét” thí sinh như trước đây, hiện nhiều trường nghề đã có thể lựa chọn những hồ sơ tốt nhất vào học để từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng GD-ĐT. Đầu ra cho học viên trường nghề do đó rộng mở hơn, tỷ lệ học viên tìm được việc làm đạt 100% là con số thực chất, không hề “ảo”.
Minh Ngọc