Trong bối cảnh cả xã hội và nền kinh tế ngày càng số hóa mạnh mẽ, kỳ vọng đối với chính quyền từ phía người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách ngày càng cao, PGS-TS NGUYỄN QUANG TRUNG, Trưởng khoa Quản trị, Trưởng nhóm nghiên cứu về chuyển đổi thông minh (Trường đại học RMIT) cho rằng, các nhà lãnh đạo khu vực công đang phải đối mặt với một số thách thức.
PGS-TS Nguyễn Quang Trung, Trưởng khoa Quản trị, Trưởng nhóm nghiên cứu về chuyển đổi thông minh (Trường đại học RMIT) |
Trong bối cảnh cả xã hội và nền kinh tế ngày càng số hóa mạnh mẽ, kỳ vọng đối với chính quyền từ phía người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách ngày càng cao, PGS-TS NGUYỄN QUANG TRUNG, Trưởng khoa Quản trị, Trưởng nhóm nghiên cứu về chuyển đổi thông minh (Trường đại học RMIT) cho rằng, các nhà lãnh đạo khu vực công đang phải đối mặt với một số thách thức.
Những thách thức này đòi hỏi Chính phủ và chính quyền địa phương phải cung cấp các dịch vụ nhanh hơn, tốt hơn, cạnh tranh hơn. Và chuyển đổi số (CĐS) ở khu vực công trở thành yêu cầu cấp bách.
Đồng Nai có nhiều thuận lợi
Ông đánh giá như thế nào về công tác chuyển đổi số ở Đồng Nai?
- Hiện tại, Bộ TT-TT và Chính phủ đã có Bộ đánh giá về xếp hạng CĐS. Đây là cơ sở để đánh giá xem các địa phương đang ở đâu trong quá trình CĐS so với các địa phương khác.
Trong xếp hạng gần nhất vào năm 2022, tỉnh Đồng Nai xếp hạng 19/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2021.
Trong kế hoạch CĐS đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu nằm trong tốp 10 cả nước về CĐS. Như vậy, tỉnh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu này.
Những cơ sở nào để Đồng Nai có thể đạt được mục tiêu trên, thưa ông?
- Đồng Nai là tỉnh phát triển. Thu nhập bình quân trên đầu người thuộc tốp 10 của cả nước. Các hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đều đạt và vượt. Theo báo cáo của tỉnh, hầu hết các chỉ số về hạ tầng như băng rộng cáp quang phủ trên hộ gia đình đến xã, phường hoặc mạng sóng di động 4G/5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đều đạt hoặc gần đạt mục tiêu của năm 2025.
Bên cạnh đó, chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai hiện xếp tốp 5 cả nước, tăng đều qua các năm, là động lực để phát triển kinh tế số của tỉnh trong thời gian tới…
Như vậy, lợi thế của tỉnh là tiềm lực về kinh tế, vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng tốt. Lãnh đạo tỉnh cũng đã rất quan tâm chỉ đạo đến công tác CĐS và cải cách hành chính.
Vậy tỉnh cần có thêm yếu tố gì, thưa ông?
- Cái chính là cần làm tốt công tác quản trị công, phải làm sao để sử dụng tốt những nguồn lực tỉnh sẵn có. Hiện nay, nguồn vốn phân bổ đầu tư công trong lĩnh vực KH-CN, hạ tầng số chưa được sử dụng triệt để trong khi đây là những nguồn lực rất quan trọng để phát triển.
PGS-TS NGUYỄN QUANG TRUNG khuyến nghị tỉnh cần phải có tổ chức kiểm tra, đánh giá độc lập về quá trình CĐS, tránh tình trạng xem nhẹ, dễ dãi, xuề xòa trong đánh giá giữa các đơn vị trong hệ thống công lập. |
Thứ hai là phải đào tạo về kỹ năng số, trong đó có cả kỹ năng về quản trị cho các nhà lãnh đạo. Bởi quá trình chuyển đổi rất gian nan, cần có kỹ năng số để cập nhật nhanh, ứng dụng tốt hơn những công nghệ hiện đại và quản trị nó.
Chiến lược CĐS của Việt Nam có 3 trụ cột chính. Đó là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, xã hội số được cấu thành từ con người số và kết nối số. Đồng Nai đã có hạ tầng số tương đối tốt để phục vụ nhu cầu của người dân. Điều mà chúng tôi muốn nói đến là năng lực quản trị quá trình CĐS của những nhà lãnh đạo. Bởi thực tế cho thấy, chính quyền nào có năng lực quản trị quá trình CĐS tốt thì hầu hết đều vượt lên. Chẳng hạn như Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM…
Cần mạnh dạn thuê đơn vị bên ngoài
Ông có thể nói rõ hơn về năng lực quản trị quá trình CĐS?
- Khác với năng lực số, năng lực quản trị chuyển đổi tập trung vào 3 nhóm hợp phần chính. Đó là quản trị, chiến lược và văn hóa.
Ví dụ như quản trị, chúng ta thấy chỉ số PAPI hay chỉ số PCI của Đồng Nai hiện còn khá khiêm tốn, đặc biệt là chỉ số PCI. Đây là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành trong cả nước về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh. Cách đây khoảng 10 năm, Đồng Nai xếp hạng khá tốt nhưng gần đây bị tụt lại so với một số địa phương khác. Điều này cho thấy việc quản trị quá trình CĐS cần phải cải thiện.
Ông có khuyến nghị gì về chính sách và quản trị?
- Trước hết, lãnh đạo địa phương phải xác định được những vấn đề gì cần thiết, quan trọng để tập trung đầu tư thực hiện trước. Đồng thời, phải thấy được quá trình thực hiện đang bị nghẽn ở điểm nào để tháo gỡ. Chính quyền địa phương cần sử dụng cách tiếp cận từ trên xuống và lãnh đạo phải làm gương. Bởi rất khó để khuyến khích, truyền cảm hứng và quản lý vấn đề mà lãnh đạo không quan tâm hoặc không làm gương.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh của UBND TP.Biên Hòa |
Ngoài ra, tỉnh cần mạnh dạn dịch chuyển từ tư duy tự làm sang tư duy tìm nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Các cơ quan nhà nước thực hiện nhiều hơn việc định hướng chiến lược và phục vụ hơn là tự làm. Bởi nếu giao hết các nhiệm vụ về công nghệ thông tin cho các sở, ban, ngành thì một là các sở, ban, ngành không có đủ nguồn lực, kỹ năng để thực hiện. Hoặc các sở, ban, ngành cố gắng để thành lập những đơn vị về công nghệ nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi số. Điều này rất dễ dẫn đến không hiệu quả, thậm chí thất bại.
Thực tế cho thấy, có đôi lúc, các đơn vị trong hệ thống công lập làm chỉ để báo cáo hoặc do từ trên áp xuống nên phải làm cho có, còn người dân và doanh nghiệp thì không được thụ hưởng. Một dịch vụ đưa lên mà không có ai hoặc chỉ có một vài người sử dụng thì rất lãng phí về nguồn lực xã hội, chi phí cơ hội và nhiều vấn đề khác.
Chính quyền cần mạnh dạn thành lập đội ngũ chuyên trách hoặc thành lập đơn vị mới để quản trị quá trình CĐS của toàn tỉnh. Đơn vị này sẽ giúp vượt qua các rào cản của hệ thống và huy động tốt hơn các nguồn lực, cũng như hợp tác tốt hơn với các bên liên quan.
Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)