Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ tuyển sinh sau THCS hết "nóng"?

07:08, 07/08/2023

Theo định hướng về phân luồng sau THCS, đến năm 2025 sẽ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp chương trình THPT, 40% còn lại tham gia các hình thức học tập khác.

>>> Bài 1: Vào lớp 10 ngày càng khó

Theo định hướng về phân luồng sau THCS, đến năm 2025 sẽ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp chương trình THPT, 40% còn lại tham gia các hình thức học tập khác. Hiện nay, tỷ lệ này của Đồng Nai đang ở mức 70% và 30%, là phù hợp với định hướng phân luồng. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu phân luồng 40% đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) sẽ là bài toán không hề dễ.

Chưa vào năm học, nhiều học sinh lớp 9 đã bắt đầu miệt mài ôn thi để chuẩn bị cho cuộc đua vào lớp 10 công lập. Trong ảnh: Một nhóm học sinh lớp 9 luyện thi tại một trung tâm ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa)
Chưa vào năm học, nhiều học sinh lớp 9 đã bắt đầu miệt mài ôn thi để chuẩn bị cho cuộc đua vào lớp 10 công lập. Trong ảnh: Một nhóm học sinh lớp 9 luyện thi tại một trung tâm ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa)

Những năm gần đây, cuộc chạy đua để tìm “vé” vào lớp 10 ngày càng khó. Không chỉ các trường công lập, sức chứa của các trường ngoài công lập cũng hạn chế, dẫn đến tiêu chí đầu vào ngày càng nâng cao.

Trong khi trường THPT không “nảy nở” thêm, việc học sinh chuyển hướng sang các trường nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là tất yếu.

“Cuộc đua” vào lớp 10 công lập

Năm học 2020-2021, Đồng Nai có hơn 41 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS. Đến năm học 2021-2022, con số này là hơn 44,7 ngàn (tăng thêm hơn 3 ngàn). Năm nay, số học sinh tốt nghiệp THCS của tỉnh là hơn 47,3 ngàn (tăng thêm hơn 2,6 ngàn). Như vậy, trong 3 năm học liên tiếp, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đều tăng và tăng rất nhiều.

Sĩ số học sinh năm sau luôn cao hơn năm trước không còn là câu chuyện mới của giáo dục Đồng Nai. Đây sẽ còn là xu hướng trong nhiều năm tới. Điều này không chỉ đặt ra thách thức cho vấn đề quy hoạch mạng lưới trường, lớp, quy hoạch giáo dục, đào tạo nghề của tỉnh mà trước hết chính là thách thức lớn đối với người dân vì cuộc chạy đua vào trường THPT và các trường nghề có chất lượng sẽ ngày càng gay gắt.

Nếu như năm học 2020-2021, TP.Biên Hòa có hơn 14 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS thì đến năm học 2021-2022, con số này là hơn 15,7 ngàn (tăng 1,7 ngàn em). Năm nay, con số này tiếp tục tăng thêm 1,1 ngàn, nâng tổng số học sinh tốt nghiệp THCS lên 16,8 ngàn.

Cuộc cạnh tranh tìm vé vào lớp 10 THPT công lập gay gắt nhất phải kể đến tại TP.Biên Hòa bởi hầu như không năm nào thành phố này không tăng sĩ số học sinh. Trong khi đó, từ nhiều năm nay TP.Biên Hòa không có thêm trường THPT công lập nào, chỉ tiêu tuyển sinh của 11 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố cũng giữ ổn định hoặc tăng không đáng kể. Hàng năm, chỉ có khoảng gần 30% học sinh tốt nghiệp THCS ở TP.Biên Hòa đậu vào các trường THPT công lập trên địa bàn (bao gồm cả Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh). Vì vậy, nếu muốn đậu vào trường công lập, cả học sinh lẫn phụ huynh đều phải “chạy đua”.

Năm nay có con lên lớp 9 nên ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, chị H.M.Th. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã phải tất tả tìm các lớp học thêm để chuẩn bị cho cuộc đua vào lớp 10. Dù bé có học lực giỏi nhưng chị Th. vẫn không khỏi lo lắng bởi tìm một chiếc vé vào trường THPT công lập trên địa bàn TP.Biên Hòa không phải là điều dễ dàng.

Hỏi thăm từ những người đi trước, chị Th. đăng ký cho con học với những giáo viên ôn thi vào lớp 10 có tiếng ở TP.Biên Hòa có mức học phí từ 500 ngàn đồ đến 1 triệu đồng/môn học thêm. “Đó là con mình học lớp đông học sinh chứ những lớp mà thầy cô dạy ít học sinh thì học phí còn cao hơn nữa. Nhưng bây giờ phải cố lo cho con, vì nếu không đậu công lập mà đi học tư thục, học phí cao quá” - chị Th. chia sẻ.

Đã từng trải qua 1 năm ròng rã đưa con đi học thêm, ôn thi vào lớp 10 để đậu được vào trường “tốp trên”, chị H.T.H. (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ kinh nghiệm: “Phải cho con ôn từ hè lớp 8 chứ để đến cuối năm lớp 9 mới đi ôn thì không kịp, mà lúc đó có khi giáo viên không nhận ôn thi nữa. Nhiều giáo viên còn “test” đầu vào trước khi ôn thi, nếu thấy con học ổn thì mới nhận để đảm bảo chất lượng. Chưa kể có khi mỗi 1 môn học con phải theo học 2 giáo viên cho “chắc ăn”, vì mỗi giáo viên dạy có cái hay riêng…”.

Chen nhau tìm vé vào trường tư

“Cửa” vào trường công lập ngày càng hẹp lại, học sinh muốn tiếp tục học bậc THPT buộc phải vào các trường tư thục. Trước số lượng hồ sơ tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước, các trường THPT tư thục đã nâng chuẩn đầu vào, nhiều trường chỉ tuyển học sinh có học lực khá, giỏi 4 năm liền. Đối với các trường có dạy chương trình song ngữ, học sinh còn phải vượt qua khảo sát đầu vào đối với môn Tiếng Anh thì mới đủ điều kiện nhập học.

Dù đã nâng chuẩn xét tuyển đầu vào lớp 10 nhưng các trường THPT ngoài công lập vẫn tuyển được rất đông học sinh. Trong anh: Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) tựu trường năm học 2023-2024
Dù đã nâng chuẩn xét tuyển đầu vào lớp 10 nhưng các trường THPT ngoài công lập vẫn tuyển được rất đông học sinh. Trong anh: Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) tựu trường năm học 2023-2024. Ảnh: NGUYỄN AN HUY

Những năm gần đây, việc tìm 1 vé vào lớp 10 ở các trường THPT tư thục cũng dần trở nên khó khăn hơn. Không phải cứ có hồ sơ học bạ với bảng điểm “đẹp” là có thể vào học ở bất cứ trường THPT tư thục nào. Muốn chọn trường ưng ý, phụ huynh phải “nhanh chân”, thậm chí phải nhờ đến các mối quan hệ quen biết mới gửi gắm được.

 Anh V.X.P. (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) kể, con gái của anh đạt học lực khá trong suốt 4 năm THCS. Năm nay bé không đậu vào trường THPT công lập nên đã nộp hồ sơ ở 1 trường THPT tư thục nhưng do nộp hồ sơ trễ, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu vì thế phải chạy sang trường THPT tư thục khác. Dù vậy, anh vẫn không thể “chen chân” vào được do trường này cũng đã đủ chỉ tiêu. Thông qua người quen gửi gắm, anh phải đợi đến khi có  phụ huynh khác rút hồ sơ chuyển cho con về học ở địa phương khác thì mới có cơ hội cho con vào trường này.

Học sinh phải chạy đua về điểm số còn phụ huynh thì phải ra sức kiếm tiền để đóng học phí cho con mới mong  vào các trường THPT ngoài công lập. Thực tế, mức học phí của các trường tư thục luôn “tăng dần đều” qua các năm. Hiện nay, các trường ngoài công lập đã hình thành nhiều phân khúc khác nhau, đáp ứng theo tài chính của phụ huynh học sinh.

Theo đó, mức học phí đối với học sinh lớp 10 (chưa bao gồm tiền ăn trưa, bán trú, xe đưa rước) của các trường tư thục ở mức từ hơn 2 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/tháng. Nếu phụ huynh đăng ký cho con bán trú tại trường, mỗi tháng phải đóng ít nhất gần 4 triệu đồng (đã bao gồm học phí). Càng lên lớp trên, học phí càng tăng. Đây thực sự là một gánh nặng kinh tế đối với những người dân có mức thu nhập thấp, trung bình.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT hiện nay phù hợp với định hướng phân luồng học sinh sau THCS. Theo đó, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Theo đề án, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, năm học 2022-2023, Đồng Nai có hơn 47,3 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, Sở GD-ĐT đã giao chỉ tiêu tuyển sinh hơn 32,6 ngàn học sinh cho các trường THPT (chiếm 69,1%). Còn lại hơn 14,6 ngàn học sinh sẽ được phân luồng vào học nghề và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ này là phù hợp với định hướng phân luồng sau THCS theo Quyết định số 522/ QĐ-TTg.

Đồng Nai  có 35% trường THPT ngoài công lập

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4-6-2019 của Chính phủ về “Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025” nêu rõ:  “Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 2,3% và 2,6%; đến năm 2025, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở ngoài công lập là 2,7% và 3%”.

Trong khi đó, theo thống kê đã được Sở GD-ĐT công bố, năm học 2017-2018, Đồng Nai có 24/73 trường THPT ngoài công lập (chiếm 32,8%), 22.420/73.830 học sinh THPT ngoài công lập (chiếm 29,96%). Đến năm 2023, Đồng Nai có 27/77 trường THPT ngoài công lập, đạt tỷ lệ 35,06%. Như vậy, tỷ lệ xã hội hóa giáo dục bậc THPT ở Đồng Nai đã vượt rất xa so với Nghị quyết 35.

Hải Yến

Bài 2: “Vùng trũng” cũng dần quá tải

Tin xem nhiều