Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của các trạm y tế, trung tâm y tế nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án Tăng cường chất lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2030.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của các trạm y tế, trung tâm y tế nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án Tăng cường chất lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2030.
Điều trị y học cổ truyền cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Dung |
Đề án này sẽ được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm nay, kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” làm thay đổi diện mạo, chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở.
* Đầu tư nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất
Y tế cơ sở gồm các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã, là nền móng của toàn bộ hệ thống y tế quốc gia, là lực lượng chủ lực giải quyết các vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây là nơi gần dân nhất, kịp thời phát hiện các dịch bệnh, triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, hệ thống y tế cơ sở hiện bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuyến y tế cơ sở chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh, nhất là các bệnh mạn tính cho người dân. Cơ chế tài chính còn bất cập, thiếu cơ số thuốc, năng lực cung ứng dịch vụ hạn chế khiến người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở dẫn đến vượt tuyến.
Một số mục tiêu của Đề án Tăng cường chất lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2030: Đến năm 2025, có ít nhất 95% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 90% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế; duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ hoạt động. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 516,5 tỷ đồng. |
Mặt khác, các phần mềm sử dụng tại tuyến y tế cơ sở còn phân mảnh, không thống nhất do không cùng nền tảng giải pháp kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp, từ đó dẫn đến việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, đề án này sẽ tập trung vào vấn đề thu hút, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế; sửa chữa, cải tạo, xây mới cơ sở vật chất và mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế cho các trung tâm y tế, trạm y tế.
Về cơ sở vật chất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang làm chủ đầu tư xây mới 5 trạm y tế gồm: An Hòa, Hòa Bình, Phước Tân (TP.Biên Hòa) và Phú Trung, Phú Lâm (H.Tân Phú).
Ban Quản lý dự án các huyện, thành phố làm chủ đầu tư xây mới 56 trạm y tế, sửa chữa 46 trạm y tế. Sở Y tế làm chủ đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho 20 trạm y tế. Các dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế TP.Long Khánh, Phòng khám Đa khoa khu vực Sông Ray, Khu điều trị Methadone của Trung tâm Y tế H.Long Thành và 39 trạm y tế khác cũng có nhu cầu sửa chữa/xây mới. 11 trung tâm y tế và 170 trạm y tế có nhu cầu mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế với kinh phí khoảng 189 tỷ đồng.
Về nhân lực, ngoài nhân lực hiện có, y tế tuyến huyện cần bổ sung 1.281 người, trong đó gồm 212 bác sĩ, 1 ngàn nhân viên chuyên ngành y dược khác. Nhu cầu tuyển dụng tuyến xã, phường, thị trấn khoảng 459 người, trong đó gồm 45 bác sĩ và 414 chuyên ngành Y dược khác.
* Cần đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách
BS CKII Lưu Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ cho rằng, cần thay đổi cách nhìn nhận, cơ chế, chính sách đối với hệ thống y tế cơ sở. Bởi hiện nay, việc đầu tư cho hệ thống y tế đang theo hình tháp ngược, tức là quan tâm đầu tư những gì tốt nhất cho y tế tuyến cuối, còn y tế tuyến cơ sở chưa được đầu tư, quan tâm thích đáng.
Còn BS CKII Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu đề xuất, cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để thu hút và giữ chân bác sĩ, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao gắn bó với y tế cơ sở. Ngoài ra, cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở trạm y tế để tạo động lực cho bác sĩ và đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Việc phân bổ cơ số thuốc cho tuyến y tế cơ sở cũng cần công bằng hơn, tránh tình trạng người dân có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh tại trạm y tế không có đủ các loại thuốc cần thiết.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án của huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ xây mới, sửa chữa các cơ sở y tế. Khẩn trương lập danh mục đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị trong các dự án xây mới đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương.
Với những trung tâm y tế, trạm y tế cần sửa chữa, bổ sung trang thiết bị y tế cấp bách để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế đề nghị sử dụng nguồn kinh phí hoạt động đã được cấp để chi cho hoạt động thường xuyên. Trường hợp thiếu hụt kinh phí thực hiện, các đơn vị cần có tờ trình đề xuất UBND huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, mua sắm theo đúng quy định.
Các đơn vị cần chủ động phân công, điều chuyển, bố trí nhân lực hợp lý để thực hiện nhiệm vụ và tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, phải tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên y tế. Sở Y tế sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Sở chủ động có những giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của các trung tâm y tế, trạm y tế.
Hạnh Dung