Dịch Covid-19 vừa lắng xuống thì cùng lúc dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết lại bùng lên, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Dịch Covid-19 vừa lắng xuống thì cùng lúc dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) lại bùng lên, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Đặc biệt, đã xuất hiện những ca TCM chủng EV71 gây biến chứng nguy hiểm, khiến nhiều trường hợp bệnh nặng.
Nhiều ca tay chân miệng và sốt xuất huyết có biến chứng đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu |
Dịch chồng dịch, một lần nữa những “chiến binh” áo trắng lại âm thầm, tiếp tục hành trình vào trận tuyến vì sức khỏe và sự sống của bệnh nhân. Căng thẳng, vất vả, song nhiều nhân viên y tế cho rằng, đã từng trải nghiệm và “tôi luyện” qua thời chống dịch Covid-19, giờ đây họ đối mặt với áp lực công việc trong tâm thế bình thản hơn.
* Nỗi lo mang tên “EV71”
Những ngày qua, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai luôn ở tình trạng quá tải khi mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhi đến khám, trong đó nhiều ca có biểu hiện bệnh TCM và SXH.
Đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai một ngày đầu tháng 8-2023, khu vực các phòng khám thường hay khám bệnh theo yêu cầu đều rất đông phụ huynh cùng trẻ em. Từ một phòng khám đi ra, chị Nguyễn Thị Minh Thùy (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) ẵm con gái 2 tuổi đi theo một điều dưỡng đưa đến Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện để làm thủ tục theo dõi bệnh TCM.
Chị Thùy cho biết: “Khi thấy nhà trẻ có 1 bé bị TCM, tôi đã cho con nghỉ học, hạn chế cho con ra đường, nhưng con vẫn bị nhiễm bệnh”. Trước đó, chị Thùy phát hiện con gái có 1-2 hạt bóng nước trong miệng, nghĩ con bị nóng trong người nên không quan tâm nhiều. 2 hôm sau con chị bị sốt cao, đưa con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc TCM.
Khoa Bệnh nhiệt đới là nơi chăm sóc, điều trị phần lớn bệnh nhân bị TCM và SXH. Nhiều tháng nay, khoa luôn ở tình trạng quá tải. Song, điều khiến bác sĩ và những nhân viên y tế lo lắng là năm nay, số ca bệnh TCM, SXH không chỉ tăng cao đột biến mà nhiều ca còn đột ngột chuyển nặng.
Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, điều dưỡng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, bệnh nhân TCM và SXH thì năm nào cũng có, nhưng năm nay dịch không giống mọi năm khi nhiều bệnh nhân không có biểu hiện bệnh rõ ràng như: không nổi các bóng nước ở chân tay, chỉ có 1-2 bóng nước nhỏ ở miệng nhưng lại đột ngột sốt cao và chuyển nặng rất nhanh. Lo nhất là đã xuất hiện một số ca nhiễm TCM chủng EV71 có biến chứng thần kinh. Bởi thế, việc theo dõi các bé luôn được “kích hoạt” ở chế độ 24/24.
Theo chị Uyên, số lượng bệnh nhân càng tăng, áp lực về nhân lực càng lớn. Nếu trước đây, 1 ca trực có từ 4-6 điều dưỡng, thì nay chỉ còn 3 điều dưỡng chia nhau gồng gánh công việc trong một ca trực và các điều dưỡng phải trực tua 3 liên tục. “Tâm lý chung của phụ huynh có con nằm viện, ai cũng sốt ruột, lo lắng. Nhân viên y tế chúng tôi cũng rất áp lực, nhưng vẫn phải giữ thái độ ôn hòa, giải thích cặn kẽ, chăm sóc các bé tận tình để phụ huynh yên tâm” - chị Uyên tâm sự:
* Vượt qua áp lực, nỗ lực phòng chống dịch bệnh
ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, tình hình dịch bệnh TCM và SXH tại bệnh viện đang khá căng thẳng và hầu hết các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới là bệnh TCM. Ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc, có một số ca bệnh nặng đang phải thở máy. Dự báo, số ca mắc TCM sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.
Theo thống kê từ Viện Pasteur TP.HCM, tính đến ngày 20-7-2023, Đồng Nai là tỉnh đứng thứ 3 các tỉnh phía Nam về số ca mắc SXH (gần 2 ngàn ca), đứng thứ 6 về số ca biến chứng nặng (88 ca) và đứng đầu các tỉnh phía Nam về số ca tử vong (5 ca). Riêng bệnh TCM, cũng tính đến ngày 20-7-2023, Đồng Nai đứng thứ 3 các tỉnh phía Nam về số ca mắc TCM (hơn 2,39 ngàn ca), đứng thứ 4 về số ca nặng (87 ca) và chưa ghi nhận ca tử vong do TCM. |
Hiện Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện có 28 giường bệnh nhưng lúc nào cũng kín bệnh nhân. Do là nơi điều trị bệnh nhân nặng nên các bác sĩ và đội ngũ y tế trong khoa lúc nào cũng tất bật, khẩn trương, gấp gáp. Từ đầu năm 2023 đến nay, khoa đã điều trị cho nhiều ca TCM chuyển nặng, trong đó có 5 ca phải thở máy, trong số này có 2 ca phải vừa thở máy, vừa lọc máu. Đáng lưu ý, có 1 ca được xác định mắc chủng EV71, tác nhân khiến bệnh diễn tiến nặng, gây tổn thương não, tổn thương tim, suy tạng rất nguy hiểm. Đến nay, vẫn còn một số ca tiếp tục lọc máu, thở máy, theo dõi sát.
Chia sẻ với chúng tôi về những áp lực công việc khi dịch chồng dịch, cũng như xuất hiện nhiều ca biến chứng nặng, ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho hay, từ tháng 6-2023 đến nay, lượng bệnh nhân bị TCM và SXH biến chứng nặng phải điều trị tại khoa gia tăng, nhiều ca phải điều trị dài ngày. Tuy đã có đủ phương tiện hiện đại để hỗ trợ theo dõi và điều trị bệnh nhân, nhưng mỗi ca có những diễn tiến phức tạp riêng như nhiễm độc lực virus cao hoặc trẻ có bệnh nền, cơ địa béo phì bị nhiễm TCM và SXH cũng gây khó khăn cho công tác điều trị.
Một ca mắc tay chân miệng EV71 biến chứng nặng phải thở máy đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai |
Tâm sự về những áp lực trong công tác điều trị cho bệnh nhân TCM, SXH biến chứng nặng, BS Trang cho hay, có những lúc khoa phải can thiệp rất nhiều kỹ thuật trên một bệnh nhân mắc SXH như đặt nội khí quản thở máy, chống sốc tích cực bằng dịch truyền, vận mạch, chọc dò dẫn lưu màng bụng, màng phổi, lọc máu liên tục… mới cứu sống được bệnh nhân.
“Thực ra, so với thời chống dịch Covid-19 vừa qua thì áp lực này không thấm vào đâu. Nhưng do thực trạng bệnh nhân đông, biến chứng nặng, khoa lại thiếu điều dưỡng nên anh chị em trong khoa phải thay nhau choàng gánh công việc. Nếu tình trạng điều dưỡng đi tua 3 kéo dài, lại gồng gánh quá tải như hiện nay sẽ dẫn đến kiệt sức” - BS Trang cho hay.
Dịch chồng dịch không chỉ gây áp lực cho công tác điều trị mà cũng là nỗi lo của những người làm công tác dự phòng, đặc biệt là TP.Biên Hòa, địa phương có dân số đông và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa Đỗ Minh Quang cho biết, dịch bệnh TCM, SXH trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp do địa bàn rộng, dân số đông, lượng công nhân sinh sống đông đúc trong những khu vực nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, điều kiện vệ sinh chưa được chú trọng dẫn đến điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát.
Với quyết tâm và nỗ lực, Trung tâm Y tế Biên Hòa đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó tăng cường công tác giám sát và đã xử lý 33 ổ dịch TCM với hơn 700 ca nhiễm; cấp phát hóa chất khử trùng, đảm bảo các khu vực có khả năng phát sinh ổ dịch được dự phòng. Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1 tại tất cả các phường xã, bảo đảm 80% hộ gia đình được truyền thông diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống SXH.
Theo nhận định của Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, số ca mắc và số ca TCM nặng khả năng sẽ tiếp tục phức tạp, hiện ngành đang tập trung và chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Riêng với công tác điều trị, để hạn chế số ca nhiễm, giảm thấp nhất số ca tử vong, giảm tình trạng quá tải cho công tác điều trị, Sở đã hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân TCM theo các mức độ phù hợp. Đối với dịch bệnh SXH, tập trung xử lý các điểm nguy cơ gây bùng phát dịch, phân tầng thu dung điều trị, triển khai quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện.
2 năm “chiến đấu” với dịch bệnh Covid-19 là khoảng thời gian thử thách đầy cam go đối với ngành Y tế và đội ngũ các thầy thuốc, nhân viên y tế. Giờ đây, khi nhiều dịch bệnh bùng phát, thì tinh thần xung kích, vượt qua áp lực, khó khăn của đội ngũ nhân viên y tế lại tiếp tục được phát huy với quyết tâm kéo giảm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phương Liễu