Báo Đồng Nai điện tử
En

Tín hiệu vui cho năm học mới

07:08, 04/08/2023

Theo chỉ đạo mới của Chính phủ, mức thu học phí năm học 2023-2024 sẽ được giữ nguyên như năm học trước. Điều này giúp phụ huynh giải tỏa được nỗi lo về tài chính, bởi trước đó có khá nhiều thông tin về mức thu học phí sẽ tăng mạnh.

Theo chỉ đạo mới của Chính phủ, mức thu học phí năm học 2023-2024 sẽ được giữ nguyên như năm học trước. Điều này giúp phụ huynh giải tỏa được nỗi lo về tài chính, bởi trước đó có khá nhiều thông tin về mức thu học phí sẽ tăng mạnh.

Nhiều khoản mua sắm và khoản thu đầu năm học đang khiến phụ huynh lo lắng. Trong ảnh: Người dân TP.Biên Hòa mua sắm sách vở, đồ dùng cho con chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024 tại cửa hàng của Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai
Nhiều khoản mua sắm và khoản thu đầu năm học đang khiến phụ huynh lo lắng. Trong ảnh: Người dân TP.Biên Hòa mua sắm sách vở, đồ dùng cho con chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024 tại cửa hàng của Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho rằng: “Chính phủ chỉ đạo không tăng học phí ở năm học sắp tới đã mang lại niềm vui cho phụ huynh và người học, bởi những bất lợi của suy thoái kinh tế đang khiến không ít người dân gặp khó khăn”.

Vẫn chưa tăng học phí

Tại Đồng Nai, sau khi Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 17-7-2016 quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh trực tiếp quản lý từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 hết liệu lực, tính đến nay đã có ít nhất 2 lần Sở SG-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giữ nguyên mức thu học phí cũ theo Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Có giải pháp hỗ trợ phụ huynh học sinh trước thềm năm học mới

UBND tỉnh đã giao Sở GD-ĐT nghiên cứu, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh phải có giải pháp hỗ trợ phụ huynh học sinh trước thềm năm học mới 2023-2024. Đối với mức thu học phí, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và có tính đến khó khăn của phụ huynh, nhất là vùng sâu vùng xa, con em công nhân, dân tộc thiểu số. Thực hiện nghiêm chính sách bình ổn với các mặt hàng sách và đồ dùng học tập. Quán triệt sớm và xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục lạm thu không đúng với quy định.

Nhờ tham mưu tích cực của Sở GD-ĐT về học phí, trong 2 năm học gần đây (năm học 2021-2022 và 2022-2023), mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản giữ nguyên so với nhiều năm học trở về trước. Thậm chí ở năm học 2021-2022 tỉnh còn hỗ trợ một phần học phí đối với học sinh các trường mầm non và phổ thông tư thục bằng với mức thu của các trường công lập nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong lúc khó khăn.

Sau 2 năm học trì hoãn việc đưa ra mức thu học phí mới thay thế cho mức thu quy định tại Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh hết hiệu lực từ năm học 2020-2021, mới đây Sở GD-ĐT đã hoàn thiện dự thảo về mức thu học phí đối với các bậc học mầm non, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên dự kiến áp dụng cho 2 năm học sắp tới là 2023-2024 và 2024-2025. Sở GD-ĐT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị xây dựng dự thảo về Nghị quyết mức thu học phí mới tại một kỳ họp gần đây.

Hiện tại nội dung của dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết liên quan đến mức thu học phí; xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách đã được Sở GD-ĐT công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để người dân đóng góp ý kiến, đồng thời Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội theo đúng quy định. Nội dung của tờ trình dự kiến sẽ được trình trong kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, với chỉ đạo mới của Chính phủ, mức thu học phí năm học sắp tới sẽ được giữ nguyên.

Chia sẻ với khó khăn của phụ huynh

Anh Lê Quốc Huân, ngụ  P.An Bình (TP.Biên Hòa), làm công nhân trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho hay, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tiếp đó là suy thoái kinh tế, doanh nghiệp thiếu đơn hàng đã khiến việc làm, thu nhập của cả hai vợ chồng giảm. Từ tháng 7 anh đã nghe thông tin, ngoài bậc tiểu học, các bậc học còn lại đều tăng học phí khá mạnh, thậm chí cao gấp 3 lần so với mức trước đây. Những thông tin này đã khiến vợ chồng anh thực sự lo lắng vì đang có đến 3 con trong độ tuổi ăn học.

Anh Huân cho rằng: “Nhiều năm nay tỉnh không tăng học phí ở các bậc học, mức thu như cũ là phù hợp. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, nếu tăng mạnh học phí, phụ huynh càng thêm khó khăn. Thậm chí như gia đình tôi có 3 con ăn học, vợ chồng tôi lại làm công nhân, công việc chưa ổn định thì nguy cơ ảnh hưởng đến chuyện học hành của các con là rất lớn”.

Trong khi đó, chị Lương Thị Lan Thảo, một công nhân ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho rằng, nếu học phí năm học sắp tới được giữ nguyên sẽ giúp phụ huynh bớt đi được rất nhiều áp lực về tiền bạc. Bởi trong suốt thời gian dài vừa qua kinh tế quá khó khăn, hiện tại công việc đã ổn định hơn nhưng chưa thể bằng với mức trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Chị Lan Thảo cho rằng: “Không những không nên tăng học phí mà nhà nước còn có thể xem xét miễn giảm thêm một phần học phí đối với các học sinh có cha mẹ làm công nhân đi ở trọ, tránh nguy cơ kinh tế khó khăn, phụ huynh thất nghiệp, con lại có nguy cơ bỏ học”.

Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức trần học phí mới với giáo dục mầm non và phổ thông sẽ được áp dụng từ năm học 2022-2023, dao động 50-650 ngàn đồng/tháng/học sinh (tùy theo địa bàn và cấp học). Với khung này, nhiều tỉnh, thành đã đưa ra mức học phí mới, tăng nhiều lần so với năm học trước. Lắng nghe ý kiến của người dân, vào cuối tháng 12-2022, việc tăng học phí theo Nghị định 81 phải dừng lại theo yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, kiểm soát lạm phát.

Tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương ngày 10-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập là vấn đề có tác động xã hội rất lớn. Việc này phải được tính toán, triển khai một cách căn cơ, bài bản, tổng thể, trên tinh thần nhân văn. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT đánh giá kỹ tác động để có chính sách học phí phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của người dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn, yếu thế để không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của nhóm này.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều