
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng hiện nay có nhiều điểm mới.
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng hiện nay có nhiều điểm mới. Các điểm mới này đã cụ thể hóa Điều lệ Đảng nhằm phù hợp hơn với những vấn đề phát sinh trong thực tế, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
ADVERTISEMENT
![]() |
Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh kiểm tra công tác phát triển Đảng ở Huyện ủy Long Thành. |
Không giải quyết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên…
Theo đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một trong những điểm mới của công tác Kiểm tra, giám sát hiện nay là không giải quyết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, đơn tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc. Đồng thời, không giải quyết đơn tố cáo có tên nhưng nội dung không cụ thể, không có căn cứ để thẩm tra, xác minh; đơn tố cáo có tên nhưng nội dung đơn không chứa đựng, phản ánh nội dung tố cáo đảng viên, tổ chức Đảng; đơn tố cáo không phải do người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn tố cáo có từ 2 người trở lên cùng ký tên và đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự.
ADVERTISEMENT
Những người lợi dụng tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, bịa đặt, đả kích, chia rẽ bè phái, gây rối nội bộ, tái tố nhiều lần có dụng ý xấu sẽ được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Trong công tác kiểm tra, giám sát còn bổ sung thêm nhiều nội dung, trong đó đối với tổ chức Đảng, giám sát cả việc ban hành các văn bản có dấu hiệu trái với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Trong thực tế, có những văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, chưa phù hợp với thực tế, có nội dung sai trái, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận. Thậm chí, có văn bản khi được ban hành có dấu hiệu để phục vụ các lợi ích cục bộ khác nhau nhưng chưa được giám sát, kiểm duyệt một cách chặt chẽ” - đồng chí Trần Cẩm Tú lưu ý.
ADVERTISEMENT
Phân cấp trong giải quyết khiếu nại kỷ luật của Đảng
Đối với giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đảng, Ban Bí thư là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với hình thức kỷ luật khai trừ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức do cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương trở xuống quyết định. Đối với các hình thức kỷ luật do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định thì Ban Chấp hành Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng. Khi chưa có sự phân cấp này thì trước đây có 11 cấp, hơn 1 ngàn ngày (khoảng 3 năm) cho hành trình giải quyết khiếu nại về kỷ luật của Đảng, rất tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức. |
Quy chế công tác kiểm tra, giám sát cũng có thêm điểm mới về nguyên tắc chuyển sinh hoạt Đảng. Trước đây có tình trạng một số đảng viên đang bị tố cáo, lập tức tìm cách xin chuyển sinh hoạt Đảng đến nơi khác để né tránh thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn, lúng túng trong giải quyết các vụ việc của cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến khi cơ quan chức năng làm việc với cơ quan cũ của đảng viên đang bị tố cáo thì đảng viên đã chuyển công tác, không liên quan trách nhiệm nữa; ở cơ quan mới do đảng viên mới chuyển về, không biết gì về sai phạm trước đây ở cơ quan cũ… Nay Trung ương quy định: tất cả đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật thì xử lý nghiêm minh. Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt Đảng sang tổ chức mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt Đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức Đảng cấp trên của Đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý.
Về việc thi hành kỷ luật của Đảng, đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết trước đây việc bỏ phiếu kỷ luật đảng viên phải tiến hành 2 lần. Lần 1: bỏ phiếu biểu quyết “có hay không kỷ luật”, nếu biểu quyết “có kỷ luật” thì tiến hành bỏ phiếu lần 2 để biểu quyết mức kỷ luật. Bây giờ, quy định chung trong một mẫu phiếu, biểu quyết luôn mức kỷ luật. Đồng thời, bổ sung quy định khi bỏ phiếu biểu quyết quyết định kỷ luật, nếu số phiếu phân tán, không có hình thức kỷ luật nào quá bán thì thực hiện cộng dồn phiếu để xác định hình thức kỷ luật cụ thể. Điều này nhằm nâng cao trách nhiệm tổ chức Đảng cấp dưới trong việc xem xét, thi hành kỷ luật, khắc phục tình trạng đùn đẩy lên cấp trên giải quyết.
Song song với kỷ luật nghiêm, đúng người đúng tội, lần này Trung ương cũng bổ sung quy định, nếu kỷ luật oan cho đảng viên phải xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với đảng viên bị kỷ luật oan. Tuy nhiên đây là vấn đề mới nên phục hồi quyền lợi cho đảng viên bị kỷ luật oan như thế nào rất khó. Việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cũng còn nhiều vướng mắc, do vậy Trung ương mới chỉ quy định nguyên tắc chung về vấn đề này, nội dung cụ thể sẽ do Bộ Chính trị quy định.
Phương Hằng