Năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu từ 47-48 tỷ USD, tăng 3-4 tỷ USD so với năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, cơ hội, thách thức đan xen thì ngành dệt may sẽ khó khăn hơn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%.
ADVERTISEMENT
Tháng 1-2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mỗi tháng còn lại trong năm, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam phải xuất khẩu được hơn 4 tỷ USD mới hoàn thành mục tiêu.
Dệt may hiện là một trong 4 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, việc tăng trưởng của ngành dệt may đóng vai trò rất quan trọng trong xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Dệt may cũng là ngành có xuất siêu lớn, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động với mức thu nhập ổn định. Đồng thời, năm 2024, dệt may Việt Nam đã trở lại vị trí xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc).
ADVERTISEMENT
Tại Đồng Nai, dệt may là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh chiếm hơn 7% ngành dệt may Việt Nam. Thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam là hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, song thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong tháng 1-2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may, xơ sợi dệt của tỉnh đạt 239 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo các DN dệt may tại Đồng Nai, từ cuối năm 2024, nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến quý II, III-2025, đây là tín hiệu tốt cho ngành. Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, do những bất ổn về chính trị, căng thẳng thương mại do Mỹ áp thuế với hàng hóa của nhiều quốc gia nên các nhà nhập khẩu có xu hướng ký kết những đơn hàng nhỏ, trong thời gian ngắn. Đồng thời, Mỹ có khả năng sẽ áp thuế 10% với tất cả các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có sản phẩm dệt may. Vì vậy, các DN dệt may Đồng Nai cũng như cả nước phải có những giải pháp ứng phó với những thay đổi của thị trường xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để vượt qua những khó khăn, thách thức, các DN cần mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh lệ thuộc vào một số thị trường lớn. Như vậy, sẽ giảm được rủi ro khi một số thị trường lớn có những biến động, hạn chế nhập khẩu sản phẩm dệt may. Bên cạnh đó, các DN dệt may phải chú trọng đầu tư vào sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, đáp ứng đầy đủ những quy tắc về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
ADVERTISEMENT
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin