
Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam và triển vọng kinh doanh ngành gỗ 2014" vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia và nhà quản lý đã chỉ ra, ngành công nghiệp chế biến gỗ mấy năm gần đây có mức tăng trưởng tốt nhưng còn thiếu tính bền vững.
Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam và triển vọng kinh doanh ngành gỗ 2014” vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia và nhà quản lý đã chỉ ra, ngành công nghiệp chế biến gỗ mấy năm gần đây có mức tăng trưởng tốt nhưng còn thiếu tính bền vững.
ADVERTISEMENT
Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD và năm nay dự kiến sẽ đạt 6,5 tỷ USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đồ gỗ của cả nước tính đến giữa tháng 7 đạt 3,7 tỷ USD và kế hoạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD là rất khả quan.
* Khai thác tốt thị trường
ADVERTISEMENT
Theo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), Việt Nam đang đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và đứng thứ 6 trên thế giới về chế biến gỗ xuất khẩu. Các thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn là châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản, 3 thị trường này chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ của Việt Nam còn được đánh giá là khai thác tốt và khá đa dạng về thị trường xuất khẩu, hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất đi khoảng 120 quốc gia trên thế giới.
![]() |
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH gỗ Hố Nai. |
Mấy năm gần đây, dù kinh tế khó khăn nhưng DN chế biến gỗ của Việt Nam đang có lợi thế tốt về thị trường do nhiều DN chế biến gỗ tại châu Âu đóng cửa và tạo ra cơ hội cho DN Việt Nam. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam cũng có những lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc ở nhiều thị trường. Đồ gỗ xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang gặp nhiều bất lợi do giá nhân công cao. Bên cạnh đó, một số quốc gia đang áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Trung Quốc. Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng cho rằng thị trường cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu còn khá lớn, hàng năm nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ và sản phẩm mỹ nghệ trên thế giới khoảng 150 tỷ USD. Một số thị trường lớn, như: Mỹ tiêu thụ khoảng 40 tỷ USD, Nhật Bản trên dưới 13 tỷ USD và Đức là thị trường lớn nhất khối EU với sức tiêu thụ khoảng 9 tỷ USD.
ADVERTISEMENT
* Chưa bền vững
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hơn 90% các DN chế biến gỗ là DN nhỏ và vừa, công nghệ chế biến chưa cao nên hiệu quả vẫn còn thấp. Số lượng DN tham gia chế biến gỗ xuất khẩu tuy đông nhưng sản lượng hàng so với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại thấp. Các DN FDI chỉ chiếm khoảng 10% nhưng kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 35%.
Tại hội thảo, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) Phạm Minh Đức nhận xét: “Các DN chế biến gỗ của Việt Nam có quy mô nhỏ, tiếp cận với nguồn vốn ở các tổ chức tín dụng còn khó khăn và chịu mức lãi suất cao”.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng thực chất lợi nhuận của DN lại giảm và đạt mức thấp. Năng suất lao động ở các DN chế biến gỗ trong nước còn thấp hơn khá nhiều so với các DN FDI và chưa bằng một nửa so với năng suất lao động của các nhà chế biến gỗ tại Trung Quốc. Không chỉ vậy, ngành này còn đang phải đối diện với bài toán nguyên liệu không mấy dễ dàng. Hiện tại, tới 80% gỗ nguyên liệu đang phải nhập khẩu, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đang thiếu và chưa có hướng phát triển khả quan. Đây cũng chính là áp lực không nhỏ đối với các DN chế biến gỗ, bởi nguyên liệu đang bị phụ thuộc quá lớn vào thị trường nhập khẩu, giá trị gia tăng trên sản phẩm không cao.
Vân Nam