
Cách đây 35 năm, ngày 17-3-1975, trước sức tiến công như vũ bão của quân và dân ta, huyện Định Quán được hoàn toàn giải phóng. Giải phóng Định Quán tức là ta làm chủ một phần quốc lộ 20, cắt con đường duy nhất từ miền Đông Nam bộ lên Nam Tây nguyên, mở thêm một hành lang quan trọng trên hướng Đông Bắc, tạo điều kiện cho đại quân của ta đánh chiếm Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cách đây 35 năm, ngày 17-3-1975, trước sức tiến công như vũ bão của quân và dân ta, huyện Định Quán được hoàn toàn giải phóng. Giải phóng Định Quán tức là ta làm chủ một phần quốc lộ 20, cắt con đường duy nhất từ miền Đông Nam bộ lên Nam Tây nguyên, mở thêm một hành lang quan trọng trên hướng Đông Bắc, tạo điều kiện cho đại quân của ta đánh chiếm Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Vào những ngày đầu tháng 3-1975, sau khi thất thủ ở Buôn Mê Thuột, do lo sợ mất Định Quán và để tăng cường phòng thủ bảo vệ Sài Gòn, địch đã điều thêm chiến đoàn 43, thuộc sư đoàn 18 ngụy về đây tăng cường phòng thủ, tạo thế ngăn chặn quân ta từ xa.
ADVERTISEMENT
Tuy nhiên, khi biết được khó giữ chiến trường Tây Nguyên, đồng thời Lâm Đồng và đường 20 bị uy hiếp, nên địch điều thêm chiến đoàn 52 và chi đoàn thiết giáp số 2 lên tăng cường giữ khu vực từ Túc Trưng đến Kiệm Tân. Trong lúc này, để tấn công Định Quán, mở thông đường 20 tạo điều kiện cho đại quân của ta đánh chiếm Sài Gòn, các lực lượng vũ trang địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực xây dựng kế hoạch đánh địch, bức rút buộc chúng phải tháo chạy khỏi Định Quán và đường 20. Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, bộ đội chủ lực được cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp với quân dân Định Quán tiêu diệt cứ điểm này. Đêm 16 rạng 17-3-1975, Tiểu đoàn 2 và 3, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 - đơn vị đảm nhận mũi chủ yếu của trận đánh vào chi khu Định Quán đã bí mật đến vị trí xuất phát. Các trận địa pháo của sư đoàn cũng sẵn sàng nhả đạn.
5 giờ sáng ngày 17-3, Sư đoàn 7 nổ súng tiến công Định Quán. Pháo ta bắn vào các mục tiêu quân sự trong chi khu và các vị trí địch ở Phương Lâm, La Ngà, Núi Tràn, đồi Đăng Ca, điểm cao 112. Trung đoàn 209 tiêu diệt cụm phòng thủ của địch ở Núi Tràn, chia cắt Định Quán với lực lượng quân đoàn 3 ngụy ở Túc Trưng. Bị pháo ta bắn cấp tập, địch trong chi khu Định Quán rối loạn, vội vã tìm nơi ẩn nấp. Lợi dụng thời cơ này, các mũi tiến công của Trung đoàn 141 nhanh chóng đánh chiếm các vị trí đầu cầu, Đại đội 7 thọc sâu chiếm được gộp đá đầu tiên ở núi Ba Chồng.
ADVERTISEMENT
Sau mấy phút hoảng loạn, quân địch bắt đầu phát hiện được các hướng tấn công của quân ta nên phản kích dữ dội. Chúng dựa vào các chồng đá chống trả quyết liệt, nhất là ở hướng tiến công của Đại đội 7. Để tiếp viện cho chi khu Định Quán, máy bay địch liên tục quần đảo, ném bom xuống các trận địa pháo và các vị trí mà quân ta vừa chiếm được. Lúc này, Trung đoàn 141 phải cho bộ đội ngừng tiến công để đào công sự, bổ sung thêm đạn chuẩn bị cho đợt tiến công mới.
* GIẢI PHÓNG ĐỊNH QUÁN
Chiều ngày 17-3, Trung đoàn 141 tổ chức đợt tiến công thứ hai. Trước sức tiến công của ta, quân địch phải bỏ khu quân sự và trận địa pháo chạy vào các gộp đá cố thủ. Đại đội 7 liền chiếm thêm được 2 gộp đá nữa, tiến sát núi Ba Chồng và núi đá Ông Phật.
ADVERTISEMENT
Sáng ngày 18-3, sau một đêm củng cố lực lượng, nghiên cứu thêm cách đánh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Lê Nam Phong lệnh cho các đơn vị tiếp tục tiến công. Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165 được tăng cường 3 xe tăng đánh chiếm điểm cao 258. Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 141 được chi viện hỏa lực diệt từng ổ đề kháng của địch trong các gộp đá. Trung đội trưởng Vũ Văn Bộ (thuộc Đại đội 7) dù bị thương ở tay vẫn cùng đồng đội anh dũng đánh thẳng vào núi Ba Chồng. Trung đội phó Nguyễn Văn Hoan, người đã cắm cờ Quyết Thắng lên sở chỉ huy tiểu khu Phước Long 77 ngày trước đó dẫn đầu trung đội đánh chiếm núi Ông Phật và hy sinh trong trận đánh này. Đại đội phó Đại đội 2 (thuộc Tiểu đoàn 1) Nguyễn Trọng Tấn vừa chỉ huy đơn vị vừa bắn 7 quả đạn B40 diệt các hỏa điểm của địch trong các gộp đá và cắm lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" trên nóc nhà chỉ huy của địch trong chi khu Định Quán. Thiếu tá Chánh, quận trưởng Định Quán và 4 sĩ quan cấp úy chỉ huy chi khu Định Quán ra hàng.
Như vậy, chỉ sau 4 ngày chiến đấu liên tục, Sư đoàn 7 và quân dân Định Quán đã diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở chi khu Định Quán và một bộ phận của sư đoàn 18 ngụy mới lên tăng cường. Quận Định Quán được giải phóng, hệ thống đồn bót từ Túc Trưng đến Phương Lâm bị diệt và bức rút, ta làm chủ một tuyến hành lang quan trọng trên hướng Đông Bắc Sài Gòn...
Đức Việt
(Theo Lịch sử Quân đoàn 4, Binh đoàn Cửu Long và Lực lượng vũ trang Đồng Nai)